Nông sản Việt xuất khẩu và những thách thức từ hàng rào phi thuế quan

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại nhằm khơi thông cánh cửa xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, "sân chơi" quốc tế vẫn còn những thách thức bởi quy định tiêu chuẩn hàng hóa nghiêm ngặt được tạo ra từ hàng rào phi thuế quan.

Vào được thị trường đã khó, nhưng có giữ được thị trường hay không lại là chuyện không hề dễ dàng. Dù đã tham gia các hiệp định thương mại, nhưng nông sản Việt vẫn chịu kiểm soát từ hàng rào phí thuế quan. Hàng rào phi thuế quan là biện pháp nhằm bảo vệ hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu không vượt quá số lượng đã ấn định, giới hạn hàng nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp (DN) trong nước.

xuat-khau-nong-san-01-1706580242.jpg
Các doanh nghiệp phải tăng cường kiểm soát nông sản để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. (Ảnh minh họa)

Nhiều nông sản chủ lực vướng quy định của EU

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã đưa 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam gồm ớt, mì ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và thanh long vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này. Đây là quy định được EU rà soát và cập nhật thường xuyên 6 tháng 1 lần. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp phải tăng cường kiểm soát nông sản để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Đây là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10%. Do 6 tháng cuối năm ngoái, 3 lô hàng sầu riêng của Việt Nam bị cảnh báo dư thừa chất bảo vệ thực vật. Đại diện công ty SK International, đơn vị đang xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này chia sẻ: "Giá trị lô hàng nhỏ, không gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi thấy cơ hội tại thị trường châu Âu bị mất đi".

Ông Lê Anh Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết: "Việc tăng kiểm soát sẽ làm tăng lên thời gian thông quan xuất khẩu, đi kèm chi phí tăng lên rất nhiều".

So với thông báo 6 tháng trước, 4 mặt hàng là ớt, mì ăn liền, đậu bắp, thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra. Vào được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường còn khó hơn, nếu không kiểm soát chặt thì nguy cơ bị nâng mức độ kiểm soát là rất rõ rệt.

xuat-khau-nong-san-02-1706580219.jpg
Dù đã tham gia các hiệp định thương mại, nhưng nông sản Việt vẫn chịu kiểm soát từ hàng rào phí thuế quan. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại khu vực châu Âu cho biết: "Nếu những lô hàng của chúng ta còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vât vượt ngưỡng cho phép, EU rất có thể sẽ tăng mức kiểm soát lên 20 - 50% hoặc yêu cầu kèm theo bắt buộc các giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm".

Biện pháp hạn chế định lượng là một trong những hàng rào phi thuế mà hàng hoá và DN Việt Nam sẽ gặp phải khi thâm nhập vào thị trường quốc tế. Một số mặt hàng sẽ cấm nhập khẩu vì mục tiêu bảo vệ đạo đức công cộng, sức khoẻ con người… Cùng với đó nhiều mặt hàng sẽ có hạn ngạch nhập khẩu. Các nước thường đặt ra mức nhập khẩu cho một số loại hàng hoá trong một thời kỳ nhất định. Trong xu hướng tự do hoá thương mại, các nước cũng đã dần xoá bỏ cơ chế hạn ngạch. Tuy nhiên, đến nay hạn ngạch vẫn được áp dụng phổ biến trong hai lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu là dệt may và nông sản.

Ngoài các biện pháp hạn chế định lượng, các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật là một trong những hàng rào kỹ thuật thường được các nước áp dụng. Một mặt các tiêu chuẩn này tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế bằng cách giúp người mua nước ngoài đánh giá được quy cách, chất lượng của sản phẩm nhưng mặt khác chúng cũng có thể trở thành rào cản thương mại nếu quá khác biệt giữa các nước.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT nhìn nhận: "Trong quá trình tổ chức sản xuất, canh tác phải nắm chắc được những hoạt chất trong danh sách cấm của EU. Với những hoạt chất cho phép, bà con tuyệt đối tuân thủ quy tắc '4 đúng', phải đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật".

Kiểm soát hàng nông sản là hoạt động thường lệ của các nước nhập khẩu nhưng bị đưa thêm mặt hàng vào danh sách kiểm soát cũng là cảnh báo để nông dân và doanh nghiệp phải làm tốt hơn, chặt chẽ hơn trong đáp ứng tiêu chuẩn an toàn nông sản.

Ông Ngô Xuân Nam cho biết: "Năm ngoái, Việt Nam chỉ có 67 cảnh báo từ EU, giảm 5 cảnh báo so với cùng kỳ năm 2022. Chúng ta cũng thành công đưa nhiều loại rau gia vị ra khỏi danh mục kiểm soát".

Bộ NN&PTNT đang lên kế hoạch chủ động đề xuất với EU giảm tần suất kiểm soát với một số mặt hàng dựa trên kết quả kiểm soát dư lượng trong nước, tháo gỡ khó khăn và mở đường cho nông sản Việt chinh phục thị trường lớn này.

Chất lượng nông sản xuất khẩu phải được đặt lên hàng đầu

Nhìn từ câu chuyện ngành lúa gạo, theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, các DN sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo cần có sản phẩm đạt chuẩn GlobaGAP hoặc VietGAP thực thụ và nên có chọn lọc sản phẩm, cụ thể là nên chọn những loại có chất lượng cao thay vì gạo chất lượng thấp.

“Nhiều người cho rằng, khi châu Âu miễn thuế nhập khẩu gạo, họ sẽ tăng độ khó hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn để bảo vệ DN trong nước. Thật ra, việc bảo vệ DN quốc nội ở nước nào cũng có, tuy nhiên châu Âu không trồng hoặc trồng ít lúa gạo, hơn nữa mỗi năm châu Âu nhập khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo, do vậy 80.000 tấn gạo nhập khẩu từ Việt Nam chỉ là số nhỏ, chắc chắn châu Âu không nhòm ngó hoặc giăng hàng rào gây khó dễ”, ông Bình chia sẻ.

Điều quan trọng mà Tổng giám đốc Trung An lưu ý là “chúng ta phải làm đúng, chứ đừng nhập gạo thơm từ Campuchia, Thái Lan, sau đó gắn mác gạo Việt Nam để xuất khẩu. Hay xuất những loại gạo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta hãy làm thật tốt hướng đến lâu dài, không chỉ 80.000 tấn gạo được hưởng thuế suất bằng 0 mà làm sao để người châu Âu tin và muốn ăn gạo Việt”.

Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Áo khuyến nghị, DN Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu, hoặc chất bảo quản khi chiếu xạ sản phẩm. Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đề nghị các DN có lĩnh vực xuất khẩu nằm trong phạm vi hiệu lực của Quy định chống phá rừng của EU cần thực hiện tốt việc chuẩn bị hồ sơ…

xuat-khau-nong-san-03-1706580316.jpg
Phải hình thành thói quen xây dựng quan hệ thương mại bền vững, dựa trên chữ tín. (Ảnh minh họa)

Không chỉ thị trường EU, vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục thay đổi những quy định chính sách về nhập khẩu nông sản, thực phẩm. "Một số tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu đã ngang bằng, thậm chí có quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm, kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả những thị trường có tiếng là khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chinh phục được thị trường Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội đưa sản phẩm đến những thị trường khó tính hơn: "Chúng ta phải hình thành thói quen xây dựng quan hệ thương mại bền vững, dựa trên chữ tín, kết hợp với điều hành xây dựng chuỗi cung ứng thì mới mong đưa hàng hóa vào chuỗi cung ứng toàn cầu".

Theo quy định của WTO, các nước sẽ phải dần dần xóa bỏ một số hàng rào phi thuế, đặc biệt là các biện pháp hạn chế định lượng. Tuy nhiên, cùng với tiến trình đó, việc tạo ra và sử dụng các công cụ phi thuế mới, tinh vi hơn là điều không thể tránh khỏi. Trong quá trình mở cửa, hội nhập Việt Nam càng cần phải hiểu rõ các hàng rào phi thuế quan để vừa đẩy mạnh được xuất khẩu, vừa bảo hộ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước.

Sự bảo hộ của Nhà nước trong điều kiện hội nhập chỉ có thể tồn tại trong ngắn hạn. Còn xét về dài hạn, dưới sức ép của các cam kết hội nhập và sức ép của chính người tiêu dùng trong nước, Nhà nước buộc phải từng bước mở cửa thị trường và giảm thuế suất. Nếu DN không tích cực sử dụng năng lực cạnh tranh ngắn hạn để tạo lợi thế, khẳng định năng lực cạnh tranh dài hạn thông qua giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng thì trong dài hạn DN sẽ mất năng lực cạnh tranh khi thị trường mở cửa./

Trọng Đạt