Những nông sản xuất khẩu tỷ đô 'gặp khó' giải pháp nào tránh rủi ro?

Năm 2023 chứng kiến sự bứt phá của những nông sản Việt Nam như sầu riêng, cà phê... Những nông sản xuất khẩu này đã đem lại kim ngạch hàng tỷ USD. Triển vọng rất lớn nhưng những rủi ro với nông sản xuất khẩu cũng không ít khi các tiêu chuẩn thị trường ngày càng khắt khe.
nong-san-xuat-khau-ty-do-02-1705983798.jpg
Năm 2024, ngành nông nghiệp VN đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 55 tỉ USD.

Những cảnh báo với sầu riêng xuất khẩu

Sầu riêng với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 2,2 tỉ USD. Thế nhưng ngay những ngày đầu năm 2024, loại trái cây tỉ USD này của ta đã gặp khó ở thị trường EU. Theo thông báo từ Thương vụ VN tại EU, ngày 17.1 EU đăng công báo cập nhật về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào liên minh này.

Theo đó, ngoài các mặt hàng của VN vào EU đang chịu giám sát tại cửa khẩu là ớt chuông, mì ăn liền thì bổ sung sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Đây là lần đầu tiên sầu riêng của VN xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng hóa chất trên trái sầu riêng tươi tại cửa khẩu với tần suất 10%. Quy định mới của EU sẽ có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo, tức sẽ được chính thức áp dụng vào ngày 6.2.2024 tới.

EU tuy không phải là thị trường quan trọng nhất của mặt hàng sầu riêng xuất khẩu của VN, nhưng đây lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11.2023, xuất khẩu sầu riêng của VN đạt gần 2,2 tỉ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ 2022. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của VN vào EU tăng mạnh nhất. Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng tươi sang Cộng hòa Czech tăng hơn 28.000%, đứng thứ 4 trong số những nước nhập khẩu nhiều sầu riêng nhất của VN; xuất khẩu sang Pháp tăng 32%.

nong-san-xuat-khau-ty-do-01-1705983833.jpg
Đầu năm 2024, loại trái cây tỉ USD xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã gặp khó ở thị trường EU.

Ngoài EU, Nhật Bản cũng nằm trong nhóm 10 thị trường nhập khẩu chính sản phẩm sầu riêng VN và loại trái cây tỉ USD của chúng ta cũng đang gặp khó ở đây. Bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC (có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản), cho biết doanh nghiệp (DN) của bà vừa thiệt hại hàng trăm triệu đồng, liên quan đến 2 lô hàng sầu riêng, ớt nhập khẩu từ VN bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.

Cụ thể, lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu qua một DN lớn tại VN từ ngày 5.10, với giá 132.000 đồng/kg. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

"Cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ VN, khiến các DN tốn kém nhiều chi phí, thời gian hàng lưu kho kéo dài ảnh hưởng đến khâu phân phối, tiêu thụ. Cả 2 lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy. Riêng lô sầu riêng này, chúng tôi thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Còn với lô ớt, nếu không nhập khẩu bù thì khả năng cao sẽ còn bị phạt theo hợp đồng. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu bền vững của nhiều trái cây VN, đặc biệt là sầu riêng rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng chất lượng của loại trái cây này đang có vấn đề khiến các nhà nhập khẩu "đau đầu" khi liên tục gặp rủi ro", bà Oanh nói.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng sầu riêng Việt Nam vẫn được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ xuất khẩu trong năm 2024. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.

"Năm 2023 kim ngạch sầu riêng của nước ta ước đạt 2,3 tỷ USD. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD." - Ông Đặng Phúc Nguyên tính toán.

Cà phê khởi sắc bao giờ trở lại thời hoàng kim?

Cà phê, hồ tiêu từng tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, rồi có thời gian rớt giá mạnh khiến nông dân chán nản đầu tư, nhưng bất ngờ tăng giá mạnh trở lại trong 2 năm trở lại đây. Giá cà phê đang gần chạm mốc 70.000 đồng/kg, một mức giá ít ai có thể nghĩ tới.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (VICOFA), cho biết: "Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cà phê của VN đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021 - 2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỉ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của VN đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước. Như vậy, có thể nói ngành cà phê đang dần hồi sinh và trở lại thời kỳ hoàng kim".

Theo ông Hải, sản lượng cà phê xuất khẩu sụt giảm còn do nguyên nhân từ nhu cầu tiêu thụ trong nước đang tăng lên. Trong giai đoạn 2015 - 2020, sản lượng tiêu thụ cà phê nội địa tăng bình quân 3,94%/năm, từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022. Tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ 1,7 kg năm 2015 lên 2,2 kg năm 2022. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025 - 2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm, đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 - 300.000 tấn/năm.

nong-san-xuat-khau-ty-do-03-1705983896.jpg
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cà phê của VN tăng kỷ lục lên mức 4,08 tỉ USD nhờ giá tăng cao.

Lãnh đạo VICOFA dự báo: "Với sản lượng sụt giảm, nhu cầu xuất khẩu tăng cao, người trồng cà phê có thể sẽ được hưởng lợi từ giá cà phê ở mức hấp dẫn. Kim ngạch xuất khẩu cũng có thể đạt mức kỷ lục mới, dự báo có thể đạt 4,5 - 5 tỉ USD trong năm nay".

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích cà phê cả nước khoảng 710.000ha, trong đó đang cho thu hoạch 653.000ha, sản lượng 1,845 triệu tấn với năng suất 2,82 tấn/ha. Mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng cây cà phê vẫn chưa thể cạnh tranh được với các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, bơ, chanh leo… Do giá cà phê những năm qua xuống quá thấp nên người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê, chỉ trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã.

Năm 2024, ngành nông nghiệp VN đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 55 tỉ USD. Các DN đều cho rằng với năng lực sản xuất, chế biến của VN hiện nay thì mục tiêu này không khó.

"Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải sẵn sàng cập nhật và tuân thủ các quy định SPS từ quốc gia nhập khẩu. Trong đó, các ngành hàng trọng điểm như lúa gạo, rau quả, thủy sản… phải cải thiện hơn nữa quy trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến để bảo đảm sản phẩm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh trên toàn cầu", ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS VN khuyến cáo./.

Bình Nguyên