Ứng dụng khoa học công nghệ - Đòn bẩy phát triển kinh tế nông nghiệp miền núi xứ Thanh

Kinh tế nông nghiệp khu vực miền núi Thanh Hóa đang có những chuyển biến tích cực nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN). Những tiến bộ trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
don-bay-kinh-te-1738852888.jpg
Khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển các sản phẩm OCOP ở vùng núi xứ Thanh. (Ảnh HM).

Trước đây, sản xuất nông nghiệp miền núi Thanh Hóa chủ yếu dựa vào tập quán canh tác truyền thống, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, năng suất thấp và thu nhập của người dân bấp bênh. Chính vì vậy, đời sống của người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa vô cùng khó khăn.

Nhờ sự quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của Trung ương và các sở ban ngành, diện mạo kinh tế nông nghiệp miền núi Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Tư duy sản xuất của người dân cũng dần thay đổi, từ lối canh tác tự cung tự cấp, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp.

Điển hình như mô hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khô hạn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cũng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tại huyện Bá Thước, một trong những huyện vùng cao có thế mạnh phát triển mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng theo hướng hữu cơ, cây ba kích và sa nhân tím đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, mô hình này còn góp phần bảo vệ rừng và phát triển kinh tế gắn với sinh thái bền vững. Tương tự, tại huyện Mường Lát, các mô hình nuôi bò sinh sản và dê núi theo hướng hàng hóa cũng đang giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

don-bay-kinh-te-2-1738853052.jpg
Cánh đồng gạo Nếp Cay Nọi huyện Mường Lát, giống lúa đặc sản thơm ngon, nhờ ứng dụng KHCN đã phát triển thành hàng hóa, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Ông Lương Văn Hùng, thôn Lũng (xã Văn Lược, huyện Bá Thước) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện khó khăn của xã, quanh năm chỉ biết đến cây lúa, cây ngô. Nhờ có cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng ba kích theo hướng hữu cơ, tôi mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất sang trồng loại cây này. Nhờ trồng bán ba kích mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, cuộc sống cũng khấm khá hơn”.

Một trong những thành tựu nổi bật từ ứng dụng KH&CN là phát triển các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Hiện nay, nhiều đặc sản miền núi Thanh Hóa như rượu cần Bá Thước, mật ong Pù Luông, gạo nếp Cay Nọi Mường Lát… đã được đầu tư chế biến, đóng gói theo quy chuẩn hiện đại, nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông Vi Văn Hiện, Chủ tịch xã Quang Chiểu (huyện Mường Lát) cho biết: “Trước đây, sản xuất nông nghiệp của địa phương chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều hộ dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ việc chọn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao đến ứng dụng kỹ thuật canh tác hiện đại. Điển hình như sản phẩm OCOP gạo Cay Nọi đã được chủ thể đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng nhờ áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến”.

don-bay-kinh-te-3-1738853176.jpg
Đời sống của người dân xã Lũng Cao huyện Bá Thước đã dần khởi sắc nhờ trồng cây dược liệu.

Việc ứng dụng công nghệ trong chế biến và bảo quản nông sản cũng giúp kéo dài thời gian sử dụng, giảm hao hụt sau thu hoạch. Điển hình như sản phẩm chè Shan tuyết của huyện Quan Hóa, nhờ công nghệ sấy lạnh mà giữ được hương vị đặc trưng, chất lượng ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng việc ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp miền núi vẫn gặp không ít khó khăn. Cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ tiếp cận công nghệ của người dân còn thấp, nguồn vốn đầu tư còn eo hẹp là những rào cản lớn.

Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị cũng được chú trọng. Điều này không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định mà còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp miền núi theo hướng hàng hóa bền vững.

Với sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cùng với nỗ lực không ngừng của người dân, nông nghiệp miền núi Thanh Hóa nhất định sẽ ngày càng khởi sắc. Trong đó, khoa học và công nghệ đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng, chắp cánh cho những ước mơ của bản vùng cao sớm vươn lên thoát nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền./.

Hà Khải