Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 189 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp (chỉ chiếm khoảng 0,5%). Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, thấp hơn các nước cạnh tranh trực tiếp, ngoại trừ hạt tiêu, hạt điều, xơ, sợi, cao su.
Theo ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ: “Việt Nam cần tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại địa bàn, tham gia giao dịch, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện hội chợ, triển lãm quy mô lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường các cơ hội hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp phân phối, chế biến của Thổ Nhĩ Kỳ”; “Quốc gia này có vị trí chiến lược trên con đường giao thương giữa ba châu lục Á - Âu - Phi. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là thị trường tiềm năng, cửa ngõ quan trọng vào khu vực Trung Đông, là nơi trung chuyển vào thị trường EU đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, sữa và sản phẩm sữa, hạt tiêu, đồ gỗ, cao su, chè, sợi, vải, hàng may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, thiết bị phụ tùng”, ông Lê Phú Cường, nhấn mạnh.
Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường có quy mô kinh tế lớn, hoạt động ngoại thương sôi động và nhu cầu tiêu dùng cao với số dân tới gần 84 triệu người. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 6 Châu Âu, thứ 16 thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng thời, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có các ngành công nghiệp khá phát triển, với nhiều ngành có thế mạnh tương tự như Việt Nam, tuy nhiên, chi phí sản xuất lại cao hơn. Đặc biệt, thị trường này có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn nhập khẩu do vị trí địa lý nằm giữa 3 châu lục và nằm sát Châu Âu. Trong khi đó, các doanh nghiệp sở tại cũng khá năng động, luôn tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí cạnh tranh để giảm giá thành sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt phải có sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, thì mới thâm nhập sâu được vào thị trường này.
Thời gian vừa qua, nhằm cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các sản phẩm từ hạt tiêu, hạt điều, cao su, hoa quả, hàng thủ công mỹ nghệ…
Hiện nay, Cục Xúc tiến Thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường tổ chức các phiên xúc tiến thương mại, tư vấn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này với các diễn giả là đại diện các nhà nhập khẩu quan trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ, như: Công ty TNHH Gia vị Donmezler chuyên về các sản phẩm nông sản, gia vị, Công ty TNHH Sản phẩm Nông nghiệp IDEAL (VERITA) chuyên về hoa quả tươi, Công ty VT Travel and Trade chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ để chia sẻ thông tin chi tiết về yêu cầu thâm nhập và cơ hội thị trường, cũng như trao đổi kinh nghiệm xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.