![diem-sang-nong-thon-1-1739277922.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/blog/HaVanKhai/2025/02/11/diem-sang-nong-thon-1-1739277922.jpg)
Năm 2024, chương trình xây dựng NTM được tỉnh Ninh Bình triển khai với tư duy đổi mới, hướng tới thực chất, xem sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 100% xã đạt chuẩn NTM; 65 xã đạt NTM nâng cao; 24 xã đạt NTM kiểu mẫu; 6/6 huyện đạt chuẩn NTM; 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện Yên Khánh, Yên Mô đạt chuẩn NTM nâng cao.
Những thành tựu đã đạt được trong phong trào xây dựng NTM là minh chứng cho sự quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc nâng cao chất lượng nông thôn, góp phần xây dựng Ninh Bình vươn tới tương lai, từng bước trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
Ninh Bình không chỉ đạt được những thành tựu ấn tượng trong xây dựng NTM mà còn là điểm sáng so với nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu của Ninh Bình đều vượt trội so với mức trung bình của cả nước. Điều này cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình trong việc thực hiện chương trình NTM.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ninh Bình cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình xây dựng NTM. Đó là vấn đề nguồn lực đầu tư còn hạn chế, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng nông thôn, nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Để giải quyết những thách thức này, trong những năm qua, Ninh Bình đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả và bền vững như Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi, vốn xã hội hóa và nguồn đóng góp của người dân.
![diem-sang-nong-thon-2-1739278039.jpg](https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/uploads/images/2025/02/11/diem-sang-nong-thon-2-1739278039.jpg)
Tập trung nguồn lực để hỗ trợ các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, nâng cao khả năng thích ứng của người dân với biến đổi khí hậu.
Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tiêu biểu. Từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Một số mô hình nổi bật như: mô hình làng nghề truyền thống (thêu ren Văn Lâm, cói Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân...) góp phần tạo việc làm, bảo tồn giá trị văn hóa; hợp tác xã nông nghiệp CNC ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; du lịch nông thôn phát triển các tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm đời sống nông thôn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Sự phát triển của các mô hình kinh tế nói trên không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân. Tuy nhiên, để các mô hình này phát triển bền vững, cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp, đồng thời phải chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Xác định xây dựng NTM là một quá trình, đi lên không ngừng nghỉ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp với thực tế, không sa vào bệnh thành tích, mà lấy hiệu quả thực chất làm mục tiêu số 1. Do đó, Ninh Bình đã nêu cao vai trò chủ thể của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, đủ mạnh, linh hoạt, đảm bảo nguồn lực để hỗ trợ các địa phương, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của xã hội”.
Có thể thấy, thành công của tỉnh Ninh Bình trong công cuộc xây dựng NTM là sự chung tay đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo quyết liệt, huy động tối đa nguồn lực; huy động sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp; phát huy lợi thế địa phương, nhân rộng mô hình hiệu quả.
Thành công này là bước đệm vững trãi để Ninh Bình tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng NTM, góp phần đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
Với tầm nhìn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, Ninh Bình cam kết tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý. Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển nông thôn, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương. Đồng thời, Ninh Bình đặt mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân lên hàng đầu./.