Quy mô sản xuất sản phẩm chủ lực vùng đồng bằng của tỉnh là 37.000 ha lúa, 2.875 ha rau, hoa, quả; 11.339 con trâu bò; 89721 con lợn; 2.053 nghìn gia cầm; 1.982 ha thủy sản. Các sản phẩm chủ lực: lúa, rau, hoa, quả, cá, trâu bò, lợn, gia cầm. Các sản phẩm đặc sản: Nếp hạt cau, ngọc trai, nấm ăn (nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ…), nấm linh chi, vịt trời, ba ba, rươi, ếch, ốc nhồi…
Với địa hình bằng phẳng, vùng đồng bằng rất thuận lợi cho phát triển cho phát triển sản xuất lúa, rau, chăn nuôi và thủy sản nước ngọt. Sản phẩm chủ lực chủ yếu là lúa gạo, gia cầm và lợn. Diện tích lúa đạt 37.004,9 ha tập trung ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn; số lượng đàn lợn đạt 89.721 con, đàn trâu đạt 11.339 con, đàn gia cầm đạt 2 triệu con. Tiểu vùng đồng bằng là trọng điểm trong sản xuất lúa, đặc biệt là lúa chất lượng cao, lúa đặc sản; các loại ngô, rau củ quả, hoa cây cảnh, cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu tương, cây ăn quả như chuối, bưởi.
Cây trồng đặc sản như các loại dưa, rau rút, rau cần, trạch tả, bạch chỉ, lúa đặc sản như tám, dự, nếp hạt cau,... ứng dụng nhiều công nghệ cao trong sản xuất như: công nghệ nhà lưới nhà màng trong sản xuất rau hoa, công nghệ tưới bán tự động, công nghệ màng nilon phủ luống hạn chế cỏ dại và mầm bệnh, công nghệ sử dụng phân bón cao cấp để cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống nhỏ giọt; ứng dụng một số máy móc hiện đại giúp giảm nhân công lao động trong sản xuất như máy gặt liên hợp, máy cày bừa công suất lớn, máy phun thuốc trừ sâu cho lúa, ứng dụng chế phẩm sinh học trong ủ phân hữu cơ và chế phẩm sinh học.
Thời gian gần đây, tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc 14 sử dụng máy bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa. Hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, ngô ngọt, rau, củ, quả (khoai tây, ớt, hành, bí xanh, bí đỏ, dưa vàng, dưa lê, dưa hấu, …). Hình thành các vùng chăn nuôi lợn ngoại quy mô công nghiệp theo địa giới hành chính cấp xã như vùng chăn nuôi lợn công nghiệp xã Như Hòa, Chất Bình; vùng chăn nuôi lợn công nghiệp các xã Kim Tân, Cồn Thoi, Kim Mỹ, huyện Kim Sơn; vùng chăn nuôi lợn công nghiệp các xã Khánh Thủy, Khánh Thành, Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, các vùng này, có mật độ dân cư, mật độ chăn nuôi cao, dịch bệnh xảy ra phức tạp nhưng các thành viên trong tổ hợp tác, HTX đều không bị xảy ra dịch bệnh.
Chuồng Trại chăn nuôi đều cơ bản hiện đại, công nghệ chuồng kín, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, theo dõi từ xa qua hệ thống camera và thực hiện nghiêm chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Có các cơ sở sản xuất gà giống quy mô lớn ở xã Thượng Kiệm, Kim Tân - Kim Sơn, với 20.000 gà mái giống Lương Phượng và 1.000 gà trống chọi, sản xuất theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, công nghệ ấp trứng hoàn toàn tự động, hiện đại, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng triệu con giống ở các thị trường nội tỉnh, Nam Định, Thanh Hóa, miền Trung... Phát triển các hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh, chuyên canh. Bên cạnh đó phát triển các vùng nuôi thủy sản công nghệ cao, công nghệ sinh học góp phần tăng năng suất và giá trị sản xuất của ngành. Diện tích nuôi thủy sản tập trung chủ yếu tại các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.
Các mô hình ứng dụng công nghê cao nuôi thâm canh các đối tượng có giá trị kinh tế (trắm cỏ, chép lai) với năng suất trung bình 14-17 tấn/ha/vụ, có mô hình trên 22 tấn/ha/vụ, lợi nhuận 70-100 triệu đồng/ha/vụ. Phát triển các vùng ương san giống tập trung quy mô từ 7-10 ha phân bố tại các xã Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Tiên - Yên Khánh; xã Yên Thắng, Yên Hòa, Yên Đồng - Yên Mô; xã Như Hòa, Quang Thiện - Kim Sơn.
Ngoài các sản phẩm chủ lực của vùng như lúa gạo, rau quả, sản phẩm chăn nuôi như lợn, trâu bò, gia cầm thì vùng còn phát triển các sản phẩm đặc sản như: sản xuất nấm, ngọc trai nước ngọt, thanh long ruột đỏ ở Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Lợi, Khánh Cường, Khánh Tiên huyện Yên Khánh; sản xuất rau rút, rau cần, trạch sụn ở Yên Phong, Yên Hòa huyện Yên Mô; sản xuất nếp hạt cau ở xã Hồi Ninh, Ân Hòa, Quang Thiện... huyện Kim Sơn./.