Cụ thể, theo Điều 16, Nghị định số 27/2021/NĐ-CP nhấn mạnh tới yêu cầu chung về quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp như: Quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của Nghị định này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính, chỉ đưa vào sản xuất, kinh doanh các giống, nguồn giống đã được công nhận. Chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở về giống cây trồng lâm nghiệp. Trong đó, chất lượng giống của loài cây trồng lâm nghiệp chính được quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Đối với lô hạt giống: Phải được thu hái từ nguồn giống được công nhận còn thời hạn sử dụng; chất lượng hạt giống đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia về hạt giống.
Đối với cây giống trong bình mô: Phải sản xuất từ giống được công nhận, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây mầm mô.
Đối với hom giống, cành ghép, mắt ghép: Phải được lấy từ vườn cây đầu dòng, cây trội được công nhận còn thời hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về hom giống, cành ghép, mắt ghép.
Đối với lô cây giống: Phải được sản xuất từ cây trong bình mô hoặc giống được thu hái từ nguồn giống đã được công nhận, còn thời hạn sử dụng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây giống.
Bên cạnh đó, việc ghi nhãn và quảng cáo giống cây lâm nghiệp cũng cần tuân thủ quy định. Cụ thể, ghi nhãn giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và nội dung ghi nhãn như sau:
Đối với hạt giống: Tên loài cây (tên khoa học); khối lượng hạt; ngày, tháng, năm chế biến xong; thời hạn sử dụng; nơi thu hái; phương pháp bảo quản; tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất;
Đối với bình mô: Tên loài cây (tên khoa học); tên giống; mã số giống được công nhận; lô sản xuất: Ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; thời hạn cấy cây (từ ngày xuất giống đến ngày cuối cùng được phép sử dụng); Các loại giống khác không ghi nhãn nhưng phải có hồ sơ theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
Nghị định số 27/2021/NĐ-CP quy định về nguyên tắc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Quản lý chặt chẽ theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính, khuyến khích thực hiện đối với các giống cây trồng lâm nghiệp khác, để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng giống. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp Việt Nam, để tăng năng suất cây trồng, bên cạnh chọn tạo giống có năng suất cao, vùng sinh thái và điều kiện địa hình phù hợp, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tạo điều kiện tối ưu cho sinh trưởng của cây trồng.
Trong đó, việc xác định giống cây đảm bảo chất lượng đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, giúp cải thiện mục tiêu năng suất rừng trồng phù hợp với điều kiện sinh thái và môi trường tự nhiên. Để phát triển giống cây lâm nghiệp đạt chuẩn, ngoài quản lý, chọn lựa và nhân giống chất lượng cao, các chuyên gia khuyến khích ứng dụng quy trình, công nghệ nhân giống theo phương thức nuôi cấy mô tế bào, cải tiến các vườn ươm cây giống bằng vỏ bầu…