Cần tích hợp thông tin kịp thời ứng phó với tín hiệu thị trường xuất khẩu nông sản

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) có rất nhiều ý kiến thảo luận về vấn đề điều phối và xử lý thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp sản xuất và chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong trong nước để ứng phó kịp thời với tín hiệu thị trường.
xu-ly-thong-tin-xuat-khau-nong-san-01-1704936245.jpg
Hầu hết đánh giá hệ thống kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm về nông sản của Việt Nam đảm bảo yêu cầu theo thông lệ quốc tế. (Ảnh minh họa)

Nỗ lực minh bạch hóa thông tin về chất lượng nông sản

Văn phòng SPS Việt Nam là Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật. Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tại hội nghị, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp, tương đương khoảng gần 3.000 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm.

Trong số trên, có 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý. Số còn lại 1.443 mã số (chiếm 48%) do doanh nghiệp tự đăng ký theo Quy định 248. Các nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Theo ông Ngô Xuân Nam, sau 2 năm triển khai đáp ứng Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu (Quy định 248) và Quy định các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Quy định 249) của Trung Quốc, các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đến việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng tốt phần mềm đăng ký online của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), tận dụng được các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý doanh nghiệp. Một cơ sở chế biến có thể đăng ký được nhiều sản phẩm nếu đáp ứng được các yêu cầu của GACC, đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm sâu sát đến việc đăng ký và quản lý mã số dẫn đến việc xảy ra lỗi kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu như sai tên doanh nghiệp, sai mã số, thiếu thông tin trên nhãn mác, mất mật khẩu tài khoản…

xu-ly-thong-tin-xuat-khau-nong-san-02-1704936280.jpg
Vải thiều được xông hơi khử trùng trước khi xuất khẩu đi Nhật Bản. (Ảnh minh họa)

Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc cho biết doanh nghiệp rất cần thông tin cập nhật yêu cầu từ các thị trường. Nêu câu chuyện thực tế từ doanh nghiệp mình, rất vất vả để có được mã số vùng trồng khoai lang xuất khẩu nhưng có được rồi cũng không dễ dàng xuất khẩu vì các yêu cầu thị trường ngày một khắt khe, khâu chế biến chưa hoàn thiện được như yêu cầu của thị trường nhập khẩu khiến đơn vị của bà phải đền tiền nhiều lô hàng.

Bà Hương đánh giá rất cao vai trò của Văn phòng SPS Việt Nam với những thông tin đơn vị này chia sẻ, bà mong mỏi việc tích hợp thông tin ở một đơn vị như thế này sẽ phát huy sâu rộng hơn nữa để doanh nghiệp tự tin đầu tư cho chế biến xuất khẩu.

Nông sản của Việt Nam đảm bảo yêu cầu theo thông lệ quốc tế

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, năm 2024, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục cập nhật, tổng hợp các thông báo dự thảo các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) và cảnh báo từ các đối tác thương mại và thành viên WTO gửi các đơn vị liên quan theo quy định; phối hợp với các đơn vị phản hồi các góp ý đối với thông báo dự thảo các biện pháp SPS của Việt Nam đã thông báo tới WTO.

Văn phòng phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT trong việc tiếp tục đàm phán chương SPS của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EFTA (Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein), Việt Nam - Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE); tiếp tục đàm phán nâng cấp các Hiệp định ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định ASEAN - Canada (ACAFTA), Hiệp định ATIGA.

Văn phòng cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc mạng lưới SPS Việt Nam triển khai các cam kết SPS trong các FTA và chuẩn bị nội dung, tham dự các phiên họp thuộc Ủy ban SPS tại các Hiệp định thương mại song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là trong các Hiệp định: EVFTA, CPTPP, RCEP, VKFTA, UKVFTA, VIFTA.

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, năm 2023, Văn phòng đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về SPS của thành viên WTO, tăng hơn 20 thông báo so với năm 2022. Trong đó, 821 thông báo dự thảo lấy ý kiến và 343 thông báo bổ sung về dự thảo có hiệu lực hoặc thay đổi thông tin.

Nếu tính riêng dự thảo thông báo thay đổi biện pháp SPS, Nhật Bản có thông báo nhiều nhất với 142 thông báo (chiếm 12% tổng thông báo), tiếp theo là EU 121 thông báo (10%), Mỹ 90 thông báo (8%), Trung Quốc 34 thông báo (3%)...

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, việc số lượng thông báo SPS ngày càng tăng chứng tỏ thị trường thế giới đang rất quan tâm tới chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như ngày càng đòi hỏi cao hơn về vấn đề này cũng như các yếu tố liên quan tới tăng trưởng xanh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ tại hội nghị: "Từ đầu năm, nhiều đoàn thanh tra đã tới Việt Nam. Hầu hết đánh giá hệ thống kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm về nông sản của Việt Nam đảm bảo yêu cầu theo thông lệ quốc tế. Văn phòng SPS góp công không nhỏ trong thành tích chung này"

Cùng với đó trong năm 2023, không có lô hàng nào của Việt Nam bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cảnh báo vi phạm, theo quy định của Lệnh 249. Doanh nghiệp trong nước sử dụng tốt phần mềm đăng ký online của GACC và tận dụng các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý doanh nghiệp.

xu-ly-thong-tin-xuat-khau-nong-san-03-1704936229.jpg
Việc tích hợp thông tin sẽ giúp doanh nghiệp tự tin đầu tư cho chế biến xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Nhận định năm 2024 tiếp tục còn khó khăn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động xuất khẩu nông thủy sản, như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường phải phối hợp chặt chẽ với Văn phòng SPS VIệt Nam để "tạo sức mạnh tổng thể".

"Khi đàm phán mở cửa thị trường cho bất cứ sản phẩm nào cũng cần có cái nhìn tổng thể. Văn phòng SPS sẽ giống như một người tổng quản, giữ vai trò điều phối, đồng thời cảm nhận được Việt Nam đang cần cái gì, thiếu cái gì, từ đó đưa ra những đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN&PTNT", Thứ trưởng Trần Thanh Nam phân tích.

Thường xuyên công tác nước ngoài để xúc tiến, quảng bá hình ảnh nông sản Việt, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhìn nhận, việc tổng hợp sức mạnh các đơn vị của Bộ NN&PTNT, cũng như những Cục, Vụ liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Y tế giúp hàng hóa Việt Nam có thêm sức cạnh tranh trên trường quốc tế, tránh tình cảnh "bó đũa bị chia lẻ rồi bẻ từng chiếc".

Để hoạt động tham mưu của Văn phòng SPS Việt Nam được bài bản, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu Văn phòng chủ trì, phối hợp các đơn vị tổ chức họp giao ban 3 tháng một lần. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, mỗi cuộc giao ban như vậy không nhất thiết cần sự tham gia của lãnh đạo Cục, Vụ mà chỉ cần chuyên viên, sau đó nhanh chóng đề xuất những giải pháp để các bên cùng thực hiện, nhằm phản ứng nhanh nhạy với thay đổi của thị trường./.

Bình Nguyên