Tạo dấu ấn kim ngạch xuất khẩu nông sản
Nhờ các biện pháp nâng tầm giá trị nông sản, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tại tỉnh Gia Lai ước đạt 680 triệu USD, tăng 3,03% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng ngành hàng cà phê đạt 490 triệu USD, các mặt hàng trái cây xuất khẩu đạt 120 triệu USD. Đó là chia sẻ của ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai tại Hội nghị tổng kết ngành công thương Gia Lai.
Theo ông Có, điều này có được nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và ngành công thương. Hiện toàn tỉnh có trên 256.000ha cây trồng chủ lực được trồng theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như GlobalGAP, Rain Forest, Oganic, 4C,…
Trong đó, trên 58.000 ha sản phẩm nông sản đã được chứng nhận truy xuất nguồn gốc và hàng trăm nghìn ha nông sản đã nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, giữa nông dân - doanh nghiệp, có sự tham gia của trên 200 hợp tác xã, giúp việc tiêu thụ sản phẩm chủ động hơn.
Trong năm 2023, ngành nông nghiệp và công thương cũng triển khai nhiều hội nghị về phát triển các ngành hàng nông nghiệp theo hướng bền vững, tổ chức mở rộng thị trường chú trọng các quốc gia tham gia Hiệp định thương mại tự do CPTTP, EVFTA, UKVFTA, RCEP như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác.
“Trong những năm tới, ngành nông nghiệp Gia Lai tiếp tục phối hợp với ngành công thương trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến, để thúc đẩy chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm; thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn; phát huy thị trường truyền thống, mở rộng tìm kiếm thị trường mới; quảng bá giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp, tạo bước đột phá trong xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai”, ông Đoàn Ngọc Có cho biết.
Sản phẩm cà phê Gia Lai được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn tham gia Dự án thí điểm "Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam". Đây là cơ hội để sản phẩm cà phê của Gia Lai có thêm những điều kiện thuận lợi để tiến bước vững chắc, mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Đại diện một doanh nghiệp trồng cà phê tại huyện Đăk Đoa cho hay, muốn cà phê đứng vững trên thị trường quốc tế cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ cho người nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch, phát triển cà phê bền vững sẽ đem lại lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và môi trường.
Cà phê giữ thế "thượng phong"
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 87.000ha cà phê thương mại, tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm như Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và Chư Pưh. Hiện nay, nông dân các địa phương đang chú trọng đến việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín, điều này sẽ giúp người trồng cà phê được lợi từ 15 - 20% sản lượng so với hái xanh.
Thị trường cà phê trên thế giới đang thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta đang ngày càng tăng. Do đó, người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung rất phấn khởi vào một mùa vụ cà phê được mùa, được giá để bù lại chi phí sản xuất.
Có hơn 18.000ha cây cà phê, Ia Grai là một trong những huyện trọng điểm thu hoạch cà phê thương mại của tỉnh Gia Lai. Năm 2023 giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu tư nhưng nhờ đa số người dân đã chuyển hướng sang thâm canh hữu cơ, tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, phân hữu cơ để làm nguồn phân bón chính cho vườn cây nên niên vụ đã đạt lợi nhuận như mong muốn.
Ông Bùi Văn Lang ở làng Út, xã Ia Hrung vui mừng cho hay, năng suất cà phê của gia đình ông năm nay tăng hơn 10% so với năm trước, khả năng thu hoạch được trên 20 tấn cà phê nhân trên diện tích 6ha của gia đình. Dự kiến theo thời giá sẽ thu về hơn 350 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ia Grai, năm nay cà phê trên địa bàn được mùa, sản lượng ước cao hơn năm ngoái 10%. Dự kiến năng suất cà phê bình quân của địa phương khoảng trên 3,5 tấn nhân/ha, một số nơi đạt năng suất từ 4,5 - 6 tấn nhân/ha do áp dụng công nghệ kỹ thuật.
“Giá cà phê hiện cao hơn so với năm trước là tin vui cho bà con nơi đây. Thời gian qua, địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, nhờ vậy năng suất và chất lượng thu hoạch cà phê nhân gia tăng đáng kể”, đại diện Phòng NN - PTNT huyện Ia Grai chia sẻ.
Theo Sở NN - PTNT tỉnh Gia Lai, nhờ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hoạch cà phê tại Gia Lai những năm gần đây giữ vững đà tăng trưởng. Hiện diện tích trồng cà phê của tỉnh khoảng 100.000ha và theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 680 triệu USD trong năm 2023 (tăng 3,03% so năm 2022).
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Mục tiêu đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 2.300ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh./.