Vì sao EU tăng cường mức độ kiểm soát nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam?

Lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam vừa bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu tại cửa khẩu của Liên minh châu Âu với tần suất 10% khi xuất khẩu sang thị trường này.
kiem-soat-sau-rieng-03-1705650904.jpg
Sầu riêng của Việt Nam vừa bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu khi xuất khẩu vào EU.

Ủy ban châu Âu hôm 17/1 đăng công báo cập nhật các biện pháp tăng cường kiểm soát chính thức và khẩn cấp tạm thời với hàng hóa nhập vào Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, lần đầu sầu riêng tươi lẫn đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay tại cửa khẩu, với tần suất 10%.

Theo lý giải của EU, dữ liệu từ Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) cùng thông tin về các biện pháp kiểm soát chính thức của các quốc gia thành viên, cho thấy có sự xuất hiện của những rủi ro mới với sức khỏe con người do khả năng bị ô nhiễm bởi dư lượng thuốc trừ sâu. Do đó, EU phải yêu cầu tăng cường mức độ kiểm soát chính thức việc nhập khẩu các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam.

kiem-soat-sau-rieng-02-1705650955.jpg
Hiện nay, sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 20 thị trường quốc tế.

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu tại cửa khẩu với tần suất 10%.

Cũng tại quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU. Quy định này có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.

Theo thông lệ, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ công bố các sửa đổi trong quy định về việc tăng cường kiểm soát hoặc áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với một số hàng hóa nhất định vào EU. Trong lần thông báo vào tháng 1/2023, rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây xuất khẩu sang EU đã được đưa ra khỏi danh sách kiểm soát.

kiem-soat-sau-rieng-01-1705650881.jpg
Quy định tăng cường kiểm soát sầu riêng Việt Nam của châu Âu sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 2/2023.

Hiện nay, ngoài thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn được xuất khẩu đi hơn 20 thị trường khác. Trong đó, một số thị trường châu Âu tăng mua mạnh. Các sản phẩm sầu riêng xuất khẩu gồm sầu riêng tươi nguyên trái, sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy...

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu loại trái cây này của Việt Nam. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cũng ghi nhận tăng đột biến tại các thị trường như Czech tăng 28,2%; Canada, Mỹ, Papua New Guinea tăng 222-837% so với năm 2022.

Việt Nam không phải trường hợp cá biệt có hàng hoá bị siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm của EU. Quy định cập nhật lần này bổ sung hơn 100 mặt hàng cần kiểm tra ngay tại biên giới đến từ 27 nước. Quy định tăng cường kiểm soát sầu riêng Việt Nam của châu Âu sẽ có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo, tức khoảng đầu tháng 2/2023./.

Trọng Đạt