Nhớ về ông Jeon Je Young

Có lẽ các bạn chưa bao giờ nghe tới ông Jeon Je Young. Vâng ông là người đã cứu 96 thuyền nhân Việt Nam vào giữa thập niên 1980, và ông được người Việt tị nạn xem như Bồ Tát.
jeonjeyoung-1-1640133968.jpg
Thuyền Trưởng Jeon Je Young, người ra lệnh vớt 96 thuyền nhân Việt Nam năm 1985

Việc làm của ông là một tấm gương sáng ngời của một người sẵn sàng hi sinh chức quyền để cứu người trong cơn hoạn nạn. Câu chuyện ông cứu thuyền nhân rất ư là “Người” và cảm động. Gần 40 năm trước, ngày 10/11/1985, một chiếc tàu chở 96 người Việt vượt biên đi tị nạn bị chết máy. Chiếc tàu lênh đênh trên biển suốt 3 ngày trời trên biển Đông, mọi người chỉ biết cầu nguyện, và... chờ chết.

Nhiều tàu buôn đi ngang qua, dừng lại ngó, rồi bỏ đi. Họ không muốn cứu thuyền nhân vì sợ gặp rắc rối với các nước trong vùng lúc đó đã quá mệt mỏi với làn sóng “thuyền nhân”. Chiếc tàu cá Kwang Myung 87 do ông Jeon Je Young điều khiển đi từ Singapore về Hàn Quốc, cũng đi ngang qua, nhìn một chút, rồi cũng... bỏ đi. Nhưng như là một phép lạ, một định mệnh, ông thuyền trưởng quyết định quay lại cứu thuyền nhân!

Tại sao ông Jeon Je Young đi đến quyết định táo bạo đó? Sau này ông cho biết khi ông liên lạc với tổng hành dinh của công ty bên Hàn Quốc để hỏi ý kiến, thì công ty nhất định không cho cứu, và ra lệnh ông phải về ngay. Công ty tuyên bố nếu cứu thì sẽ gặp rắc rối với chính quyền Hàn Quốc và cũng không biết sẽ đưa thuyền nhân đi đâu. Nhưng khi ông xem thông tin khí tượng và biết rằng một cơn bão sẽ ập tới trong vòng 24 giờ, và tất cả thuyền nhân trên chiếc tàu bé nhỏ kia chắc chắn sẽ bị vùi dưới đáy biển.

Ông nói nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ và trẻ con trên tàu nhỏ đó, ông không thể đành lòng bỏ đi được. Ông quyết định quay tàu lại cứu 96 thuyền nhân, và sẵn sàng nhận tất cả hình phạt dành cho ông sau này. Ông cho biết: “Tôi nghe tiếng nói của trái tim tôi.” Ngày 29/11/1985, tàu Kwang Myung về bến Busan, Hàn Quốc. Vì chuyện đó ông bị công ty kỷ luật, bị cách chức captain, và đuổi khỏi công ty. Lúc đó ông mới 44 tuổi. Phải 2 năm sau, ông mới tìm được công việc ở một công ty khác.

jeonjeyoung-2-1640134030.jpg
Nhóm 96 thuyền nhân khi đến đảo Busan, Hàn Quốc

Còn những thuyền nhân thì sau này được đưa sang trại tị nạn Bataan, Phi lip pin. Sau đó, họ được đi định cư ở Mỹ. Cũng như bao nhiêu thuyền nhân khác, họ phải chật vật trong giai đoạn đầu làm lại cuộc đời, nhưng cuối cùng thì cũng sống sót và thành đạt trong môi trường mới. Một người trong số 96 thuyền nhân là ông Nguyễn Hùng Cường đã cố gắng tìm lại vị ân nhân của mình.

Phải 17 năm sau, ông Cường mới biết ông Jeon Je Young ở đâu và làm gì (lúc đó ông sống bằng nghề nuôi sò). Trong một lá thư cho ông Cường, ông Jeon Je Young chỉ hỏi những người ông cứu nay đang làm gì cho xã hội, chứ ông không quan tâm họ có chức vụ gì hay thành đạt ra sao.

Năm 2004, một nhóm người tị nạn ở Little Saigon mời ông sang thăm nước Mỹ để tạ ơn. Năm 2006, khi Trung tâm Thuý Nga làm show nhạc ở Hàn Quốc, họ đến mời ông xuất hiện trong show nhạc như là một lời tri ân của người Việt tỵ nạn. Năm 2007, ông lại được một nhóm thuyền nhân vinh danh, người thì cho ông ở khách sạn Ramada miễn phí suốt 3 tuần, người thì tặng ông $5000 (nhưng ông không nhận, mà thay vào đó là sung vào quỹ cho trẻ khuyết tật, mồ côi ở Việt Nam), người thì bảo trợ cho con gái ông theo học bên Mỹ. Các thuyền nhân đã có những nghĩa cử đẹp để đền ơn đáp nghĩa cho người được mệnh danh là có "tấm lòng như biển cả".

jeonjeyoung-3-1640134103.jpg
Ông bà Nguyễn Hùng Cường (trái) đón tiếp gia đình Thuyền Trưởng Jeon Je Young tại tư gia, ở Little Saigon năm 2004

Trong thập niên 1970 và 1980, do nhận thức, do trào lưu có cả nửa triệu người Việt Nam liều mình vượt biên và vượt biển; trong số này có chừng 200,000 người đã nằm sâu trong lòng biển cả. Đó là một con số rất lớn, bằng dân số khoảng 20 làng xã cộng lại. Họ chết vì bão tố, đói khát, hải tặc. Nhưng số còn sống là nhờ vào lòng tốt của các nước trong vùng và những cá nhân có từ tâm và tấm lòng biển cả như ông Jeon Je Young. Phải là người từng sống sót qua cơn biến động đó mới thấy những con người của ông Jeon Je Young, Ts Rupert Neudeck, Cha Peter Prayoon Namwong, v.v. là vô cùng quí báu.

Người mình có câu “Trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Cứu một người trong cơn hoạn nạn đã là một ân nhân; cứu hàng trăm người sắp chết phải là một công đức xứng tầm Bồ Tát. Bồ Tát. Jeon Je Young về cõi vĩnh hằng đã mấy năm, nhưng tấm lòng của ông đối với những người gặp hoạn nạn mãi được ghi nhận vĩnh viễn trên tư cách một con Người./.

Nguyễn Văn Tuấn