Hà Nội: Chuyển hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại

Trước những diễn biến phức tạp của thế giới như xung đột giữa Nga và Ukraine, dịch bệnh COVID-19 khiến giá dầu tăng, thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng... Ngành chăn nuôi nói chung và của Hà Nội nói riêng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đi kèm với những thách thức luôn song hành cơ hội, đòi hỏi người chăn nuôi phải nhanh nhạy, biến khủng hoảng thành cơ hội.

Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng "phi mã" từ cuối năm 2021 đến nay là gánh nặng lớn nhất với ngành chăn nuôi. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30 - 40%. Bước sang năm 2022, giá các mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng mạnh, ảnh hưởng đến việc lưu thông các mặt hàng liên quan đến chăn nuôi như: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…; từ đó kéo theo chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi tăng cao, nhiều cơ sở đối diện nguy cơ "treo chuồng".

Trước những tác động trên, thị trường hiện cũng là một thách thức lớn của ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi rất khó lường trong việc nhập đàn, tái đàn xây dựng kế hoạch, quy mô sản xuất trong năm.

Hà Nội hiện có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ. Về số lượng và chất lượng đàn trâu 27.500 con, tăng 5,4% so với cùng kỳ; đàn bò 130.500 con, tăng 0,1%; đàn lợn 1,37 triệu con tăng 9%; đàn gia cầm là 39,9 triệu con, tăng 2,1% so với cùng kỳ.

Mặc dù đứng trước nhiều thách thức, song năm 2022, ngành chăn nuôi Hà Nội cũng có thể tìm được cơ hội nếu biết nắm bắt đúng thời cơ- đó là xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là xu hướng của chăn nuôi hiện đại.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho biết, hiện nay, trang trại có 500 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, trang trại đã đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ con giống, quy trình sản xuất đến tiêu thụ. Năm 2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tác động mạnh đến ngành chăn nuôi nhưng trang trại không bị thiệt hại về kinh tế. 

chan-nuoi-viet-nam-scaled-e1642664951509-1648025928.jpeg
Ảnh minh hoạ

Là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, có tốc độ tăng trưởng cao, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn…; đồng thời tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đến nay đã có 42 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh.

Thời gian vừa qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát và tỷ lệ sản phẩm thịt được truy xuất nguồn gốc xuất xứ ngày càng cao, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết.

Để bảo đảm chất lượng thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá tăng "phi mã", cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp đã, đang tiếp tục siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Ông Phạm Khắc Diên, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi còn bất cập, khó thực hiện và chi phí lấy mẫu xét nghiệm quá cao nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi (về các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định), qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở có hành vi vi phạm; các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, quá hạn sử dụng…

"Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, đại lý thức ăn chăn nuôi phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; nâng cao tiềm lực sản xuất, chất lượng sản phẩm... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông để người chăn nuôi biết và lựa chọn sản phẩm thức ăn chăn nuôi của các nhà sản xuất có tiềm lực, uy tín, không sử dụng sản phẩm không có bao bì, nhãn mác... Đặc biệt, các hộ chăn nuôi không lạm dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh… trộn với thức ăn chăn nuôi và phải sử dụng thuốc thú y theo hướng dẫn của nhà sản xuất…", ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh./.