Nhiều khó khăn khi phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học là một trong những công nghệ sản xuất được chú trọng và ngày càng được ứng dụng nhiều vào trong sản xuất.
thuoc-1698997524.png
Nhiều khó khăn khi phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật hiện nay, thuốc sinh học hiện chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian, lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Cục bảo vệ thực vật đã xây dựng và triển khai chương trình "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025". Trong công tác quản lý, một số chính sách ưu tiên về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sinh học so với các thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã được ban hành và triển khai. 

Đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã được quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

Tuy nhiên, trên thực tế, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn khi phát triển thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam như: nhận thức của doanh nghiệp, người dân và địa phương còn hạn chế. Các quy định hiện nay chưa thực sự tạo động lực và hấp dẫn để chuyển hướng nghiên cứu phát triển thuốc sinh học. Việc nghiên cứu về thuốc sinh học tập trung chủ yếu ở bước phòng thí nghiệm, hiện số lượng mô hình còn ít, chưa đa dạng.

Do đó để phát triển thuốc bảo vệ thực vật  sinh học, cần tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Về khoa học công nghệ, cần khuyến khích liên kết nghiên cứu, phát triển thuốc sinh học giữa các doanh nghiệp với các viện, trường hoặc các doanh nghiệp khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp cùng với các cơ quan chuyên môn của Bộ cũng như các địa phương xây dựng các mô hình ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật   sinh học có hiệu quả trên từng đối tượng cây trồng cụ thể, đặc biệt là những cây trồng chủ lực, và đối với từng sinh vật gây hại. Qua đó đảm bảo rằng dần dần người dân sẽ làm quen với thuốc bảo vệ thực vật  sinh học và có thói quen khi cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  là ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  sinh học.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ lồng ghép việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  sinh học trong các chương trình như phòng trừ dịch hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, xác lập và lên danh sách các thuốc bảo vệ thực vật  sinh học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Hương Lan