Bảo vệ môi trường từ ngoài đồng ruộng
Thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hàng năm Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền bảo vệ môi trường (BVMT) với Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố. Trong đó xác định nhiệm vụ tuyên truyền về tác hại đối với môi trường của vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng.
Chỉ đạo các cấp Hội nông dân hướng dẫn cơ sở Hội xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, gắn với triển khai xây dựng mô hình “Bể thu gom Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng”. Đây là mô hình do Hội viên, nông dân xây dựng bể thu gom và tham gia thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên các cánh đồng mẫu lớn, tập trung.
Thực tế cho thấy, các loại chất thải này thường bị vứt bừa bãi trên đồng ruộng hoặc nguy hiểm hơn có trường hợp vứt ngay đầu nguồn nước sinh hoạt, gây ô nhiễm nguồn nước thủy lợi tưới cây và ô nhiễm nguồn nước ngầm trong lòng đất. Công tác thu gom, xử lý bao bì, chai lọ chứa hóa chất bảo vệ thực vật cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù, một số địa phương đã có kế hoạch thu gom xử lý nhưng việc triển khai chưa phát huy hiệu quả do hạn chế về nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện. Đồng thời, vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn từ các làng nghề cũng chưa có những giải pháp phù hợp và hiệu quả. Tình trạng chất thải sản xuất được thu gom chung với rác thải sinh hoạt còn khá phổ biến, dù đã được phân loại sơ bộ.
Trước thực tế vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi tràn lan trên đồng ruộng, nhận thấy rõ được sự nguy hại của thực trạng này, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân toàn thành phố tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường và trực tiếp triển khai mô hình điểm “Bể thu gom Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng”.
Những cánh đồng xanh sạch rác
Mô hình “Bể thu gom Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng” đã được nhân rộng trên hầu hết các xã, thị trấn của các huyện có diện tích cánh đồng mẫu lớn tập trung, là nơi sản xuất lúa và hoa màu, cây ăn quả có sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố đã trực tiếp khảo sát và kiểm tra thực địa đơn vị dự kiến xây dựng mô hình điểm, sau đó xây dựng kế hoạch triển khai mô hình điểm, ra mắt và duy trì sinh hoạt hoạt động của mô hình “Bể thu gom Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng”, gắn với hoạt động của “Chi hội tham gia bảo vệ môi trường”. Hàng tuần chi tổ Hội sẽ tổ chức ra quân thu gom rác thải vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng, rác thải nhựa các khu dân cư.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp hội nông dân trên địa bàn, nên đến nay, toàn thành phố Hải Phòng duy trì và thành lập mới 148 mô hình “Bể thu gom Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng”; xây dựng được 2.079 Bể xi măng đựng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng với đó, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức lễ mít tinh với các hoạt động tuyên truyền cho hội viên nông dân thành phố về tác hại của rác thải nhựa và phát động hoạt động “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại cánh đồng sản xuất tập trung”; xây dựng mô hình điểm “Bể thu gom Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng” tại các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp tập trung.
Điển hình năm 2022, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã trao tặng 10 bể thu gom cho hội viên, nông dân tại Cánh đồng xứ đạo, xã Tiên Cường, xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng; Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình từ dự án cộng đồng, vận động, xã hội hóa xây mới 50 bể thu gom từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Môi trường nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại các khu cánh đồng trồng cây thuốc lào và cây ăn quả tại 2 xã Thanh Lương, Vinh Quang huyện Vĩnh Bảo.
Đến nay đã nhân rộng 07 mô hình tại Hội Nông dân các xã huyện Vĩnh Bảo, huyện Tiên Lãng về xây dựng bể thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.
Đồng thời tổ chức Hội đã tuyên truyền cho hội viên, nông dân thấy được những tác hại của ô nhiễm môi trường từ các chất và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, các chất thải nhựa khi bị vất bừa bãi trên cánh đồng, các nguồn nước, kênh rạch, mương thủy lợi...
Trong những năm qua Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Hội, xây dựng thành công, đạt kết quả tốt một số mô hình về công tác bảo vệ môi trường, sản xuất, tiêu dùng bền vững, đơn cử là mô hình ổi hữu cơ tại xã An Hòa; mô hình trồng rau sạch trái vụ tại huyện An Dương (năm 2016, 2017) với 04 xã điểm: Đồng Thái, Quốc Tuân, Hồng Thái, An Hòa.
Đến tháng 8 năm 2022, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức tuyên truyền 479 buổi cho 47.000 lượt hội viên, nông dân tham dự trong đó lồng ghép nhiều nội dung với nhiệm vụ tham gia Bảo vệ môi trường...
Xác định công tác giải quyết ô nhiễm môi trường do lượng chất dư thừa thuốc bảo vệ thực vật từ những vỏ bao bì, quá trình phun, bón cho cây trồng là nhiệm vụ cấp bách. Đây là việc làm đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội.
Do đó, Hội Nông dân các cấp, cán bộ, hội viên nông dân toàn thành phố tiếp tục có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường bằng việc triển khai xây dựng mô hình mang tính toàn diện hơn.
Trong đó, các cấp Hội Nông dân xây dựng kế hoạch hoạt động bảo vệ môi trường hàng năm và xác định đây là một trong những hoạt động trọng tâm hết sức có ý nghĩa của tổ chức Hội trong việc tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.