Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững là một trong những chương trình hoạt động trọng điểm của CropLife Quốc tế trên toàn cầu, ưu tiên triển khai tại một số nước ở khu vực Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Tầm nhìn của chương trình là tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các công nghệ bảo vệ thực vật tốt nhất, các phương thức canh tác hiệu quả và bền vững nhất cũng như đẩy mạnh hợp tác, đối tác với các bên liên quan trong chuỗi giá trị.
Theo Bản ghi nhớ, CropLife sẽ tối đa hoá nỗ lực của ngành, tăng cường hợp tác với nhiều đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy triển khai khung sử dụng và quản lý các giải pháp bảo vệ thực vật bền vững song song với việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp. Chương trình này tiếp tục thể hiện cam kết của CropLife trong việc hỗ trợ Chính phủ và Bộ NN&PTNT Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực và môi trường bền vững hơn để bảo vệ sức khỏe con người, môi trường và nâng cao chất lượng nông sản.
Ông Alexander Berkovskiy, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Châu Á chia sẻ: "Hướng tới mục tiêu chung về tăng trưởng sản lượng theo cách thức bền vững hơn, chúng tôi luôn chú trọng đến vai trò của người nông dân. Họ là những "anh hùng nông nghiệp", là động lực thúc đẩy những mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Trách nhiệm của chúng ta là trang bị cho họ những công cụ cần thiết hỗ trợ bởi khoa học và công nghệ để họ thực hiện vai trò của mình".
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao sự đóng góp trong thời gian qua của CropLife tại Việt Nam. Những đề xuất về tăng cường hợp tác, giới thiệu sản phẩm bảo vệ thực vật, giống cây trồng cải tiến cũng như đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn người dân sử dụng có trách nhiệm những giải pháp này của Hiệp hội CropLife phù hợp với những mục tiêu, định hướng chung của Bộ NN&PTNT trong việc việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý vì một hệ một hệ thống thực phẩm an toàn, minh bạch và bền vững.
Theo ông Tan Siang Hee, Giám đốc điều hành CropLife châu Á: "Khi nguồn tài nguyên ngày càng hạn chế và dưới áp lực của biến đổi khí hậu như hiện nay, thách thức lớn nhất phía trước đối với nông dân Việt Nam là tạo ra đủ nguồn thực phẩm an toàn và có chất lượng theo phương thức canh tác bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Chúng tôi hy vọng rằng chương trình SPMF có thể giúp Việt Nam hiện thực hóa chiến lược thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực một cách hiệu quả đồng thời bảo vệ sinh kế của nông dân".
TS Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực cho rằng, cơ chế hợp tác này sẽ tối đa hoá những nỗ lực của ngành, đẩy mạnh hợp tác nhằm giới thiệu, quản lý và sử dụng bền vững các giải pháp bảo vệ thực vật, góp phần hỗ trợ tầm nhìn chung về xây dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm, tích hợp đa giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.