Trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm niêm yết và đăng ký giao dịch) trong thời gian qua còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.
Theo các chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân khách quan là khó khăn của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp và các thành viên tham gia thị trường...
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS cho biết: Thị trường chứng khoán trong thời gian qua, một giai đoạn thăng trầm với nhiều cung bậc cảm xúc. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động dữ dội với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bức tranh thị trường bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen.
Tuy nhiên, trước những nỗ lực của Chính phủ, thời gian vừa qua, nhờ các chính sách tài khoá kịp thời, hiệu quả nên chúng ta đã cơ bản kiểm soát được lạm phát, tỷ giá hối đoái duy trì ở mức cân bằng. Kết quả đã thể hiện khá rõ trên thị trường chứng khoán. Thị trường đang ngày càng hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản có phiên lên đến 19.000 tỷ đồng, phản ánh niềm tin của giới đầu tư đang quay trở lại. VN-Index từ vùng thấp chỉ 900 điểm, nay đã vượt qua ngưỡng 1.100 điểm và đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần. Nếu chính sách tiền tệ, tài khoá đi đúng hướng, thị trường sẽ cho chúng ta thấy kết quả tốt đẹp, có thể lên 1300 - 1400 điểm như nhiều nhà quan sát, chuyên gia kinh tế đã dự báo trên truyền thông.
"Về câu chuyện thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng hóa, niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường, tôi cho rằng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch đang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi lên sàn, tạo điều kiện phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung", ông Huỳnh cho biết.
Vậy nhưng, sự trầm lắng về số lượng "tân binh" có nhiều nguyên nhân, đơn cử bản thân doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại. Bên cạnh đó, các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm. Chung quy, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay – ông Phan Quốc Huỳnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và nhỏ cho biết thêm, Hiệp hội này có hơn 65.000 thành viên, tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết và tiệm cận niêm yết chỉ khoảng hơn 1% doanh nghiệp. Một hạn chế khác là với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, để thoả mãn các điều kiện niêm yết cũng còn nhiều khó khăn.
Về giải pháp, theo ông Đức, các doanh nghiệp muốn lên sàn trước mắt cần tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, củng cố nội lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ hàng hoá. Từ đó, gia tăng được sức mạnh, nguồn lực, thoả mãn tốt các tiêu chuẩn để có thể niêm yết.
"Thời gian tới, Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên để tăng số doanh nghiệp niêm yết, vì thị trường chứng khoán là kênh thu xếp vốn dài hạn rất tốt cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, niêm yết thành công còn giúp nâng cao uy tín, thương hiệu", ông Đức cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Bùi Đình Như, đại diện Công ty cổ phần Quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, một thực tế là không ít doanh nghiệp còn chưa nhận thức được các tiêu chí, lộ trình của hoạt động niêm yết. Vì vậy, để thúc đẩy việc lên sàn của các doanh nghiệp, việc phổ biến các kiến thức này cho doanh nghiệp là cần thiết. Cùng với đó là việc giúp doanh nghiệp nhận nhận thức được lợi ích, thách thức của việc lên sàn, nhằm kích thích nhu cầu niêm yết của doanh nghiệp.