Nguyên nhân nào khiến công trình xanh chậm phát triển?

Doanh nghiệp còn nhiều lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực cao trong phát triển công trình xanh.
cong-trinh-xanh-1-1697620634.jpeg
Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), tòa nhà đầu tiên tại Hà Nội đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Xây dựng xanh Hoa Kỳ - Ảnh minh họa.

Theo Viện Vật liệu xây dựng, trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ. Từ đó, số lượng công trình xanh tại Việt Nam qua mỗi năm đã ghi nhận chiều hướng tăng. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh, sang năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh. Hiện số lượng công trình xanh năm sau đã cao hơn năm trước. Điều này cho thấy các cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích phát triển công trình xanh đã bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, thực tế phát triển công trình xanh Việt Nam hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển.

Từ đó, Viện Vật liệu xây dựng đánh giá, chi phí là một trong những khía cạnh đặc biệt quan trọng trong việc phát triển, quản lý các dự án công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Song, đây cũng là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản khi muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm nguyên nhân chậm phát triển công trình xanh, Giám đốc Công ty TNHH Edeec Trần Thành Vũ nhận định, Thông thường, các nhà đầu tư đang mặc định để xây dựng được một công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng thì chi phí bỏ ra ban đầu sẽ rất nhiều. Sau đó, những chi phí này rất khó có thể được thu về trong quá trình vận hành. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực tài chính để vay vốn, huy động tài chính đầu tư cho công trình xanh.

Do đó, ông Vũ nhấn mạnh, cần có sự đổi mới ngay từ khâu thiết kế, kỹ thuật, nhằm giúp giảm giá thành của công trình, về mức vừa phải, thậm chí là thấp hơn so với giá thành công trình thông thường hiện tại.

Để giảm được giá thành, ông Trần Thành Vũ cho rằng có 2 khía cạnh cần được cải thiện, gồm khía cạnh về kỹ thuật, đổi mới sáng tạo trong khẩu thiết kế. Thứ hai là về các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vật liệu và xây dựng các công trình xanh, cũng như cần có chính sách hỗ trợ về dịch vụ, năng lượng để giảm giá thành công trình.

Đông Nghi