Gia đình chị H Bund ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút) có hơn 5 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Trong đợt hạn hán những tháng qua, gia đình chị bị mất trắng hơn 3 sào cà phê. Phần diện tích cây trồng còn lại cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cuối tháng 3/2024, NHCSXH huyện cho gia đình chị vay 80 triệu đồng. Với nguồn vốn, chị đầu tư ống tưới, máy móc phục vụ nhu cầu về nguồn nước cho cây trồng.
Chị H Bund cho biết trong tình hình nắng nóng kéo dài, mà nước các hồ - đập có nước lại ở xa. Điều đó buộc gia đình chị phải nối dài thêm ống tưới để dẫn nguồn nước về cho vườn cây. Việc ngân hàng giải ngân kịp thời nguồn vốn vay đã giúp gia đình chị vượt qua giai đoạn này. "Nguồn vốn của Nhà nước thực sự rất cần thiết cho gia đình tôi và các hộ dân xung quanh" - chị H Bund bày tỏ.
Gia đình anh Y Bin ở cùng buôn là một hộ dân khác cũng rất phấn khởi vì được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH kịp thời trong đợt này. Gia đình anh Y Bin có duy nhất 1 ha cà phê. Vào đỉnh điểm của hạn hán đầu tháng 4/2024, cả vườn cây của gia đình anh xơ xác héo khô. Trước viễn cảnh toàn bộ gia tài tiêu tan, nguồn vốn kịp thời từ NHCSXH đã vực dậy gia đình anh. "Nguồn vốn NHCSXH như là chiếc phao cứu sinh của gia đình tôi” - anh Y Bin vui mừng.
Sau khi được giải ngân nguồn vay, vườn cây của gia đình anh Y Bin được tưới tắm kịp thời đã thoát khỏi nguy cơ mất trắng. Hiện tại, nguồn nước đã về, cộng thêm nhiều đợt mưa bổ sung, vườn cây của gia đình đang dần được hồi sinh, hứa hẹn một mùa thu hoạch như mong muốn.
Ông Ngô Quốc Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Ngô Quốc Phong cho biết: “Đợt hạn hán dài ngày vừa qua gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân. Toàn huyện có khoảng 2.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán. Trong đó, có hàng chục ha cây trồng bị mất trắng hoàn toàn”.
Trước thực tế này, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã nỗ lực tạo điều kiện giải ngân nguồn vốn cho bà con nông dân. Đã có khoảng 900 hộ được vay vốn từ NHCSXH, với dư nợ hàng chục tỷ đồng. “Phần lớn nguồn vốn được bà con đầu tư máy móc, trang thiết bị tưới tiêu, giúp các hộ gia đình cứu vãn được nhiều diện tích cây trồng” - ông Phong cho biết.
Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, trên cơ sở nguồn vốn được Trung ương giao tăng trưởng và ngân sách địa phương, NHCSXH đã chủ động tham mưu cho Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh điều hoà nguồn vốn đến các đơn vị trực thuộc. Nguồn vốn phân bổ đã được các phòng giao dịch kịp thời triển khai đến bà con nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 4.000 hộ vay, với số tiền gần 200 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được bà con đưa vào phục vụ sản xuất.
Ông Vũ Anh Đức - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông cho biết: “Tất cả hồ sơ của bà con cần vay vốn được chúng tôi thực hiện tại cơ sở. Thông qua hệ thống các tổ tiết kiệm và vay vốn dưới thôn, bon và tổ dân phố, thủ tục cho vay được thực hiện tại nhà. Sau khi đủ điều kiện, chúng tôi giải ngân tại xã trong thời gian nhanh nhất cho người dân”.
Cũng theo ông Đức cho biết, bên cạnh những hộ dân được vay vốn thì hiện nay, NHCSXH đang tiếp tục triển rà soát và nắm bắt nhu cầu của người dân. Trên cơ sở đó, chi nhánh sẽ tiếp tục phân bổ nguồn vốn cho vay đến đúng các đối tượng trên tinh thần kịp thời và hiệu quả nhất./.