Ngay từ đầu năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Ea Súp đã chủ động tham mưu cho UBND huyện trích ngân sách địa phương để chuyển sang ủy thác cho Ngân hàng CSXH. Nguồn ngân sách này được bổ sung vào nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ea Súp cho biết, đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đạt gần 535 tỷ đồng, tăng 9,1 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Dư nợ bình quân 53,4 tỷ đồng/ xã, hơn 2 tỷ đồng/ tổ tiết kiệm và vay vốn và hơn 48 triệu đồng/ khách hàng. Trên 11.100 khách hàng đã vay để sản xuất, kinh doanh và tạo ra việc làm, tập trung ở các ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, dịch vụ.
Nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã “tiếp sức” cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như các đối tượng chính khác thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, cải thiện môi trường, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyên.
Góp phần cho việc triển khai tín dụng chính sách xã hội của Ea Súp là UBND các xã, thị trấn, trưởng các thôn - buôn - tổ dân phố và đặc biệt là Huyện Đoàn. Bên cạnh việc phối hợp giải ngân, tăng trưởng nguồn vốn, các đơn vị này đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở thông qua phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện.
Đáng chú ý, các tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý đã tích cực tuyên truyền, định hướng cho vay và mục tiêu sử dụng vốn vay. Đồng thời, Đoàn còn xây dựng, giới thiệu những mô hình phát triển kinh tế mới để đoàn viên thanh niên áp dụng. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Đến nay, theo thống kê Huyện Đoàn Ea Súp quản lý 55 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 2.367 lượt đoàn viên thanh niên vay, tổng dư nợ gần 113,5 tỷ đồng.
Nhiều nhiều người dân huyện biên giới Ea Súp đã thoát nghèo vươn lên một cách rõ rệt nhờ tận dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của huyện. Một trong những hộ được thụ hưởng nguồn vốn này là gia đình ông Lê Văn Đỗ ở thôn 11, xã Ia R’vê. Ông Đỗ từ Bến Tre đến lập nghiệp và xây dựng kinh tế mới tại vùng đất này từ năm 2006.
Những ngày đầu đến đây, gia đình ông Đỗ nhiều năm quanh quẩn trong cảnh nghèo túng bởi đất đai tuy rộng nhưng cằn cỗi và thường xuyên thiếu nước tưới. Ông trồng cây gì cũng không hiệu quả, không thể phát triển được. Từ năm 2016, Chương trình hộ nghèo đã đến với gia đình ông. Ông Đỗ được vay số tiền 65 triệu đồng để phát triển kinh tế.
Được “tiếp sức” từ nguồn vốn tín dụng chính sách này, ông Đỗ mạnh dạn đầu tư cải tạo đất, khoan giếng để trồng dừa. Đến nay, gia đình ông có 1.000 cây dừa các loại. Ngoài việc bán dừa tươi, ông Đỗ còn ươm cây dừa giống để bán. Trừ các chi phí, mỗi năm vườn dừa cho gia đình ông Đỗ khoản lãi khoảng 60-70 triệu đồng. Từ đó, gia đình ông Đỗ từng bước thoát nghèo, dần dần ổn định cuộc sống.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Thịnh (thôn 7, xã Cư Mlan) cũng là một điển hình thoát nghèo tiêu biểu nhờ được nguồn vốn tín dụng ưu đãi “tiếp sức”. Ông Thịnh hiện đang vay 50 triệu đồng theo Chương trình hộ mới thoát nghèo và 20 triệu đồng từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Với số vốn này, gia đình ông đã đầu tư hệ thống tưới, cải tạo 2,7 ha đất làm vườn cây ăn quả. Ông Thịnh cho biết: “Nhờ kết hợp xen canh và đa canh, vườn cây của tôi cho thu hoạch quanh năm, thu nhập ước tính hàng trăm triệu đồng”.
Từ thực tế cho thấy, các chương trình tín dụng chính sách xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung và của huyện Ea Súp nói riêng đã nhận được ủng hộ của người dân. Chương trình đãđáp ứng nhu cầu và nguyện vọng, giúp người dân từng bước thoát nghèo và phát triển kinh tế. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ và giải ngân để có thêm nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn chính sách./.