Bên cạnh đó, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ gần 6,8 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 7,2 triệu lao động (trong đó gần 145.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ gần 4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, giúp mua hơn 90.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng gần 20 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Ngoài ra xây dựng gần 731.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động.
Ngân hàng Chính sách xã hội là loại hình Ngân hàng chính sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002, Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội là cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về: Đối tượng vay vốn, điều kiện vay vốn, mức vốn cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay...
Trong suốt hơn 20 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội đã không ngừng hoàn thiện và triển khai thành công mô hình tổ chức quản trị, điều hành và đã tiếp nhận, quản lý an toàn, hiệu quả nguồn vốn tín dụng, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội góp phần vào thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và bảo đảm an sinh xã hội./.