Hiệu quả từ mô hình sản xuất "lúa - tôm" ở Đồng bằng sông Cửu Long

Các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu ái với hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ đan xen và đất đai màu mỡ nên các mô hình phát triển kinh tế cũng khá đa dạng. Trong đó, mô hình sản xuất lúa - tôm (một vụ lúa và một vụ tôm) trên cùng diện tích đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Thời điểm này, người dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang khẩn trương xuống giống vụ tôm. Bà Nguyễn Thị Hường, ngụ xã Lương Nghĩa cho biết, sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, bà vệ sinh đồng ruộng, làm ao, chờ khi nước mặn về đạt nồng độ phù hợp là xuống giống hơn 1,6ha tôm sú trên ruộng lúa. Năm ngoái, độ mặn chỉ khoảng 3‰, còn năm nay độ mặn từ 10‰ trở lên, thích hợp để xuống giống tôm. Sau 3 - 4 tháng chăm sóc, chỉ cần giá tôm sú đạt 120.000-150.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe.

Ông Nguyễn Văn Tùng ở xã Lương Nghĩa cũng cho hay, gia đình ông vừa thả giống cách đây vài ngày khi nồng độ mặn đạt mức lý tưởng cho tôm phát triển. "Khu vực nuôi tôm này nằm ngoài đê bao ngăn mặn của huyện Long Mỹ. Trước đây, do bị nhiễm phèn, mặn, nông dân chỉ gieo sạ 1 vụ lúa trong năm, sau đó bỏ đất hoang, chỉ một số ít hộ đợi mưa xuống gieo sạ thêm 1 vụ lúa nhưng hiệu quả thấp, có khi thua lỗ. Từ mùa khô năm 2016, nước mặn xuất hiện ở đây với nồng độ cao nên bà con chuyển từ trồng vụ lúa thứ hai sang nuôi tôm sú", ông nói.

tom-b-1681189089.png
Ảnh minh họa.

Theo ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Long Mỹ, lợi nhuận nuôi tôm từ 60-70 triệu đồng/ha/năm, chưa kể có thêm 10-20 triệu đồng tiền bán tép tự nhiên và các loại cá đồng, tính ra cao hơn nhiều so với trồng lúa. Mọi năm, diện tích nuôi tôm ngoài đê bao ngăn mặn khoảng 80ha; năm nay, điều kiện thuận lợi nên bà con mở rộng lên khoảng 100ha. Mô hình 1 vụ lúa 2 vụ tôm giúp người dân thích ứng với điều kiện hạn mặn và có nguồn thu nhập tốt.

Được biết, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cũng đang trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm. Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX kể, trước đây, một số nông dân trồng mía nhưng hiệu quả rất thấp, chuyên canh lúa cũng khó giàu. Năm 2018, HTX Trí Lực ra đời, được các ngành chức năng hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa, gắn kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp.

Từ đó, HTX nuôi tôm, trồng lúa trên 700ha ruộng theo quy trình sinh thái, được các đơn vị hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư nông nghiệp, nông dân được hướng dẫn cách cải tiến hệ thống quản lý nguồn nước, sử dụng phân, thuốc phù hợp và ghi chép đầy đủ theo quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP và cao hơn, sao cho cả tôm và lúa đều đạt chứng nhận, tiêu thụ dễ dàng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện nay, HTX Trí Lực có 252 hộ thành viên, có 565ha tôm đạt chứng nhận quốc tế ASC, năng suất tôm sú đạt 341 kg/ha, năng suất lúa đạt 5.518 kg/ha, lợi nhuận bình quân từ tôm và lúa đạt 100 triệu đồng/ha/năm.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thực tế ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang cho thấy, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Đơn cử, năm 2022, các tỉnh vùng này nuôi gần 190.000ha tôm trên ruộng lúa, đạt sản lượng khoảng 100.000 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng và trên 20.000 tấn tôm càng xanh, nông dân thu lợi nhuận bình quân 60-70 triệu đồng/ha/năm. Theo kế hoạch, trong năm 2023, diện tích nuôi tôm kết hợp trồng lúa tăng lên hơn 200.000ha.

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, đây là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi (tôm) và cây trồng (lúa) trong hệ sinh thái đồng ruộng. Chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư của vật nuôi sẽ là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng, còn rơm rạ từ cây lúa sẽ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho con tôm. Nhờ đó, chi phí làm đất, dùng phân, thuốc giảm, tạo ra sản phẩm an toàn hơn.

Để mô hình “con tôm ôm cây lúa” ngày càng phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp tại những tiểu vùng sinh thái ĐBSCL. Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để nâng cao năng suất, chất lượng.

Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành và phát triển những HTX, tổ hợp tác; khuyến khích phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Song song đó, cần kịp thời đưa ra những dự báo về thị trường để định hướng cho người dân lựa chọn cây, con giống phù hợp nhằm sản xuất theo hướng "thuận thiên", tránh rơi vào tình trạng "trồng - chặt".

Về thương mại, cần tăng cường xây dựng thương hiệu lúa - tôm tại ĐBSCL, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cần tăng cường và phát huy các hoạt động xúc tiến thương mại tại ĐBSCL./.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2022, diện tích nuôi tôm toàn vùng ĐBSCL đạt 747.000 ha. Trong đó, diện tích tôm - lúa khoảng 190.000 ha, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh. Sản lượng tôm thương phẩm từ mô hình này mang lại trên 120.000 tấn. Tùy vào đặc điểm từng địa phương mà mô hình tôm - lúa được áp dụng theo cách nuôi quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến hay nuôi tôm sú luân canh trồng lúa.
Ánh Dương (t/h)