Chia sẻ tại Tọa đàm về “Ứng dụng ChatGPT trong quản lý Nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”, PGS.TS Đinh Điền - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Khả năng ứng dụng của ChatGPT là rất lớn. Nó có khả năng áp dụng ở hầu hết các ngành nghề khi người dùng đều cần tìm thông tin và tạo nội dung. Ưu điểm của ChatGPT là có thể trả lời thẳng vào câu hỏi, trả lời ngắn gọn. Trong việc tạo nội dung, ChatGPT có thể viết ý tưởng, kịch bản, viết bình luận, làm thơ, viết code, trả lời email. Chatbot này cũng có thể dịch thuật.
ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer) là chatbot được công ty OpenAI phát hành ngày 30/11/2022. OpenAI đã đầu tư 1 tỷ USD và Microsoft đã đầu tư 10 tỷ USD để phát triển công cụ này. Trị giá hiện tại của ChatGPT là 29 tỷ USD.
Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã có những tác động đến đời sống, xã hội. Đối với ChatGPT thì đây là một công cụ máy học được đào tạo với lượng dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên do nó là một công cụ trả lời theo xác suất thống kê nên có thể nó trả lời rất đúng, rất nhanh nhưng không hiểu bản chất vấn đề.
TS. Võ Văn Khang - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam chia sẻ: “Trước khi ChatGPT xuất hiện, nhiều người đã nghe nói về Trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng vẫn không hình dung được cụ thể AI như thế nào vì nó bị ẩn trong các sản phẩm. Đến khi mọi người được dùng thử ChatGPT, được hỏi và nhận được câu trả lời từ AI thì chúng ta đã có hình dung rõ ràng hơn về Trí tuệ nhân tạo. Vậy, đâu là lợi ích rõ nhất mà AI mang lại để chúng ta áp dụng vào thực tế đời sống, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân”.
“Các chuyên gia của giới công nghệ đang tạo ra những sản phẩm thông minh, thân thiện như người thật. Các sản phẩm tương lai sẽ ngày càng thông minh hơn, giống người hơn. Điều này cũng thúc đẩy các nhà khoa học Việt Nam phải cập nhật kiến thức, đổi mới và nỗ lực để theo kịp trào lưu như vậy”, TS. Võ Văn Khang cho biết thêm.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện nay, ChatGPT là một công cụ có rất nhiều điểm mạnh đang được nhiều người quan tâm, có sự hấp dẫn nhất định nên TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Khoa học & Công nghệ đề xuất nghiên cứu ChatGPT và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa vào phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố”.
“Thành phố rất quan tâm đến việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào mọi mặt, mọi lĩnh vực. Luôn tạo cơ hội cho các nhóm nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài thành phố tham gia cùng thành phố tìm hiểu về ChatGPT, hướng đến mục tiêu tiếp cận ứng dụng này nhằm định hướng đưa trí tuệ nhân tạo vào phục vụ người dân, phục vụ chính quyền thành phố một cách hiệu quả nhất”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định.