Nghệ thuật khèn của người Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn thuộc tỉnh Yên Bái được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Khèn Mông vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ được ví như linh hồn của người Mông vùng cao Mù Cang Chải, nó không chỉ là một loại nhạc cụ kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người đồng bào dân tộc Mông.

khen-cua-nguoi-mong-1688461060.jpeg
Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Tuấn.A

Khèn Mông độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Âm thanh được phát ra theo cả luồng hơi thổi ra, hít vào. Khèn có 6 ống làm từ 1 loại trúc gắn trên 1 cái bầu bằng gỗ khoét rỗng, kết nối bằng nhựa cây và vỏ cây đào rừng. Thứ duy nhất từ kim loại là lam đồng (lưỡi gà). Mọi công đoạn đều làm thủ công với những dụng cụ đồng bào tự chế. Bầu đàn thường được làm từ loại gỗ thông như thông đá, kim giao hoặc pơ mu. Chế tác khèn cũng vô cùng độc đáo, không có quy chuẩn chung.

Các nghệ nhân làm khèn đều đo bằng tay và ngắm bằng mắt để chế tác. Không có nguyên tắc chung nhưng để có được cây khèn ưng ý, thổi được đúng các làn điệu dân ca Mông, cần sự khéo léo, kiên nhẫn và kinh nghiệm. Khèn Mông có hai loại. Loại có âm thanh bổng là khèn ngắn và loại có âm thanh cao là khèn dài.

Trong những dịp lễ hội, thực hiện các nghi lễ, tín ngưỡng, khèn Mông là vật dụng linh thiêng không thể thiếu hay trong cuộc sống thường ngày của bà con, khèn Mông được coi như người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông, đồng hành trên đường xuống chợ, đi rừng, đi nương, những điệu khèn là tiếng nói thể hiện lòng biết ơn đối với công lao sâu nặng của các đấng sinh thành, là tiếng lòng, khúc tâm tình của các chàng trai gửi tới người con gái mà mình yêu thương, gửi gắm mong muốn giúp họ thành đôi, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Những năm qua, nghệ thuật khèn Mông được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đầu tư gìn giữ, bảo tồn và khôi phục nhằm phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật khèn Mông được tổ chức trong các lễ hội, sự kiện văn hóa, kinh tế- xã hội của tỉnh, của đất nước. Qua đây, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, mang ý nghĩa nhân văn, có tính cộng đồng cao, tôn vinh nét đẹp văn hoá góp phần thúc đẩy nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ở mỗi địa phương./.

Năm 2015, nghệ thuật Khèn của người Mông Hà Giang cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được vinh dự công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL ngày 13/10/2015.
Anh Thư