Dư luận bức xúc và phẫn nộ với cách gọi này, bởi mèn mén vốn là món ăn truyền thống của người dân tộc Mông. Nhân chuyện này tôi bỗng nhớ một giai thoại:
Một cụ già người Mông ốm mọi người đến hỏi thăm, có anh cán bộ người dưới xuôi hỏi:
- Cụ có ăn được cơm không?
Cụ trả lời: - Mèn mén còn không ăn được nói gì đến cơm!
Trong quá trình lao động sản xuất, để bảo quản ngô quanh năm, phụ nữ Mông đã nghĩ ra cách đem ngô đi phơi khô, sau đó chọn những hạt ngô chất lượng mang đi xay, chế biến thành mèn mén, hay còn gọi là cơm ngô.
Mèn mén đã đi vào lịch sử, truyền thống và cuộc sống tâm linh của người Mông. Nó xuất hiện trong những bữa ăn hàng ngày, trên bàn thờ tổ tiên và các dịp lễ Tết. Nó cũng bình thường như cơm tẻ của người Tày, cơm nếp của người Thái…
"Mèn mén là lương thực chính nuôi sống cả dân tộc Mông, gắn liền với lịch sử sinh tồn và phát triển. Bây giờ, khi điều kiện kinh tế phát triển, nhiều người Mông vẫn duy trì món ăn này thay cơm. Với ý nghĩa đó, nên cộng đồng bức xúc khi có người gọi "mèn mén" là "cám lợn". Tại sao một doanh nhân lại có thể phát ngôn xúc phạm như thế?".
54 dân tộc với những nét văn hóa đặc trưng, phong phú, đặc sắc riêng, chính là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. Tuy nhiên, khi một cá nhân coi thường bản sắc văn hóa của một dân tộc, đã vô tình khiến người dân bị tổn thương, thậm chí phản ứng, không còn mong muốn phát triển du lịch. Phát ngôn thiếu suy nghĩ của vị khách du lịch dù vô tình hay cố ý đều làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, cộng đồng. Điều này cũng chứng tỏ phông văn hóa của người phát ngôn rất thấp.
"Du khách khi đến Hà Giang hay bất cứ mảnh đất nào, trước tiên phải tìm hiểu và tôn trọng văn hóa của người dân bản địa", từ phong tục, tập quán đến ẩm thực, tín ngưỡng... để không bị tẩy chay như trường hợp trên. Dư luận mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm nữ doanh nhân phát ngôn phản cảm và yêu cầu người này phải xin lỗi công khai dân tộc Mông.
Trước đó, năm 2014, tại một cuộc thi ca nhạc cấp quốc gia, một nhóm nhạc đã sử dụng chiếc khăn Piêu để… đóng khố gây bức xúc trong dư luận. Đây là hành động phản cảm, vì khăn Piêu là biểu tượng văn hóa, vật đội đầu linh thiêng của đồng bào dân tộc Thái.
Ông Hoàng Ngọc Thắng, cán bộ phòng Tư vấn và xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Hà Giang) cũng khẳng định, việc một cá nhân xuyên tạc, đưa những thông tin sai lệch về món ăn mèn mén đã gây tổn thương cho đồng bào người Mông. "Đây là hành động cố tình gây tranh cãi để tạo sự chú ý, rất đáng lên án", ông Thắng nhấn mạnh. Theo tìm hiểu, người phát ngôn trong video tranh cãi trên là một doanh nhân, Tổng Giám đốc một Công ty Dược phẩm./.