Lễ Têt của người Hmông

Từ thời cổ xưa, người Mông không theo tôn giáo nào, với tín ngưỡng đa thần giáo, họ thờ Thổ công, thần Rừng và tổ tiên; ngoài ra người Mông còn thờ các nhiên thần: Thần mưa, Thần gió… Trong tín ngưỡng của họ, không có nhân thần mà chỉ có nhiên thần và tổ tiên.
nguoi-mong-2-3156-1674530214.jpg
 

Vào các ngày lễ Tết trong năm, người phụ nữ có nhiệm vụ sắm sửa và bày biện các lễ vật dâng lên tổ tiên nhưng không được tự tay thắp hương trên ban thờ, công việc trang trọng thiêng liêng ấy do người đàn ông trong gia đình đảm trách. Theo phong tục của người Mông, nếu là con gái trong gia đình thì sẽ xuất giá theo chồng, sau khi xuất giá người con gái đó không còn là con cái của dòng tộc nữa; còn người con dâu, dù vai trò của họ với gia đình rất quan trọng nhưng những việc thờ cúng, hương khói linh thiêng họ cũng không được làm bởi quan niệm người phụ nữ gắn với việc sinh đẻ nên bị coi là “bẩn”. Cho đến nay, những quan niệm cổ hủ về người phụ nữ của chế độ phụ hệ vẫn in đậm trong lối sống, đặc biệt trong thờ cúng, mặc dù ở nhiều công việc khác trong gia đình dấu ấn của chế độ mẫu hệ còn rất nặng nề.

Mỗi năm, người Mông có rất nhiều ngày Tết. Hầu như tháng nào trong năm cũng có Tết: Tết tháng Giêng, Tết Rằm tháng Hai, Tết tháng Ba, Tết mồng 5 tháng Năm, Tết 16 tháng Sáu, Tết 17 tháng Bảy, Tết 19 tháng Chín và Tết tháng Chạp. Tết của người Mông không cố định vào một ngày nào trong các tháng mà mỗi tháng họ ăn Tết vào một ngày khác nhau. Có lẽ cuộc sống nơi miền núi cao gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài xã hội mà người Mông có nhiều Tết đến thế, bởi ngày Tết là ngày được nghỉ ngơi, tạm gác những công việc nương rẫy quanh năm nơi đỉnh núi heo hút, cách trở để đi chơi chợ, mua sắm, giao lưu gặp gỡ người thân, họ hàng bè bạn sống ở các bản làng khác.

Ngày Tết còn để cúng lễ, cũng như các tộc người có tín ngưỡng khác, dâng lễ vật lên thần linh và tổ tiên. Ban thờ bao giờ cũng được đặt trang trọng ở gian chính giữa của ngôi nhà, đồ lễ và cách thức bày đặt trên ban thờ đơn giản nhưng phải tuân theo những quy định riêng. Vào nhà người Mông, chỉ cần nhìn ban thờ sẽ biết ngay gia chủ là người già hay trẻ, nhà đang ở là nhà mới hay nhà cũ. Những ban thờ lên nước bóng láng màu nâu cánh gián cho biết gia chủ đặt đã lâu, ngôi nhà đã cũ; Những ban thờ ngả màu xám bạc là ban thờ mới đặt, và ngôi nhà mới dựng chưa lâu.

Sống ở vùng núi cao không hiếm các loại gỗ quí, nhưng người Mông thường chỉ làm ban thờ bằng tre. Muốn cắt nghĩa điều này phải hiểu quan niệm của người Mông về vai trò của cây tre trong đời sống tâm linh của họ. Tre có mặt khắp nơi trong cuộc sống của họ, là vật liệu được sử dụng tạo nên các đồ vật thiết yếu hàng ngày: chõng tre, bồ đựng ngô lúa bằng tre, giỏ tre, quẩy tấu và các đồ vật dùng để đựng rau quả, chế biến các món ăn cũng được làm bằng tre. Tre còn được dùng làm vũ khí đánh giặc, săn thú với chông tre, mũi tên tre, bẫy tre…

Đối với mỗi người Mông, từ khi lọt lòng mẹ đến khi nhắm mắt xuôi tay về với tiên tổ, cả cuộc đời đều gắn với cây tre, cũng như người Việt, họ dùng tre làm cây nêu để đón rước và tiễn đưa ông bà tổ tiên ngày Tết Nguyên Đán. Trong đời sống tâm linh của người Mông, tre là một giống cây thiêng, chỉ tre mới có thể làm trục nối giữa trời và đất, nên ban thờ nhất định phải làm bằng tre. Để làm ban thờ, người Mông vào rừng chọn những gốc tre đực lâu năm, đánh dấu sẵn, đợi đến cuối mùa Thu đầu mùa Đông mới chặt để tre không bị mọt. Xưa nay, để tre gỗ không bị mối mọt, người ta thường ngâm trong nước, nhưng tre gỗ ngâm lâu ngày dưới nước sẽ sinh mùi rất khó chịu, bởi vậy, những gốc tre già đem từ rừng về để làm ban thờ được dóc gọt, giữ gìn cẩn thận, tuyệt đối không ngâm để đảm bảo cho việc thờ cúng được thanh sạch linh thiêng.

Ban thờ trong các gia đình người Mông thiết kế chia làm hai tầng, tầng trên thờ tổ tiên và các cụ ông, trang trí bằng các hoa văn cắt từ giấy màu vàng; tầng dưới thờ các cụ bà, trang trí bằng các hoa văn cắt từ giấy tím. Các hoa văn trang trí ban thờ của người Mông là các hình tam giác đồng tâm có các tia tượng trưng cho tia sáng mặt trời. Cả hai tầng ban thờ đều có gắn nhiều lông gà. Cách thức chọn gà thắp hương cúng lễ của người Mông cũng giống người Việt, người Thái, họ chọn gà trống tơ hoặc gà trống thiến, nếu là gà mái phải là gà mái mới nhảy ổ. Trước khi mổ gà cúng tổ tiên, phải khấn (có thể bằng tiếng Hán cổ hoặc tiếng Mông) để báo cáo các vị tổ tiên và nhổ một túm lông ở cổ hoặc ở lưng gà, quệt vào tiết gà với ý nghĩa là để bàn giao con gà cho tổ tiên rồi mới cắm lông gà lên ban thờ; như thế tổ tiên mới nhận được lễ vật do con cháu dâng lên và những lời cầu xin mới linh nghiệm. Mỗi lần mổ gà thắp hương trên ban thờ, người Mông lại xem xương gà (không phải xem chân gà như người Việt) để biết vận hạn, những điều tốt xấu của những ngày sắp tới.

Có một điểm khác biệt trong phong tục của người Mông, gà trống thắp hương dâng tổ tiên và cụ ông còn gà mái thắp hương dâng cụ bà. Điểm khác biệt này thể hiện quan niệm của người Mông về vai trò của người đàn ông và đàn bà trong gia đình; người đàn ông giữ vai trò trụ cột, lo việc nương rẫy, làm nhà, tậu ngựa…; người đàn bà thu xếp việc nhà, vun vén và giữ lửa trong bếp. Sống trên miền núi cao, chưa bị ảnh hưởng nhiều của đời sống hiện đại, phong tục của người Mông vẫn còn dấu vết của chế độ mẫu hệ xưa; có lẽ, để cân bằng âm dương nơi đỉnh núi chon von quanh năm mây phủ vốn gần gũi với thiên nhiên cao xanh ấy, người Mông hướng âm nhiều hơn hướng dương? Đây là một nét văn hoá đẹp trong phong tục tập quán của người Mông nói riêng, người Việt Nam ta nói chung về vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình. Phụ nữ Mông, những người mẹ, người vợ chung thủy đảm đang với đôi bàn tay vén khéo và đức hạnh chính là người đem lại hạnh phúc và bình yên cho mỗi nếp nhà.

Đối với người Mông, Tết tháng Giêng là cái tết quan trọng nhất, to nhất trong một năm. Trong dịp tết này, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn nhất để dâng tổ tiên và thần linh, bữa cơm đó gọi là làm Tết. Người Mông cũng gói bánh chưng, nhưng bữa cơm làm Tết của họ không nhất thiết phải có bánh chưng như người Việt mà cái phải có là rượu, thịt và mèn mén (tinh bột ngô tẻ nấu lên như cơm), những món ăn vốn dĩ quen thuộc trong văn hoá ẩm thực của người Mông, dù gia chủ nghèo đến mấy. Khác với người Việt, bữa cơm làm Tết của người Mông không cần phải mâm cao cỗ đầy, các món ăn mang đặc trưng ngày Tết mà là những gì gần gũi nhất, quen thuộc nhất hàng ngày họ dành để dâng lên tổ tiên.

Nghĩa là trong việc thờ cúng, người Mông không quá thiên về hình thức. Để đón ngày Tết tháng Giêng, người Mông không có tục lệ đón giao thừa, đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Từ tối hoặc nửa đêm 30 tháng Chạp, người Mông cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà trống tơ còn sống sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt, nấu nướng và dâng cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi vang lên tiếng gà gáy đầu tiên.

Người Mông rất coi trọng việc cúng ma nhà bằng lợn và gà sống vào tối 30 tết bởi đó là thời điểm kết thúc một năm cũ, đón một năm mới với hy vọng vào sự làm ăn phát đạt, no đủ. Việc cúng ma nhà bằng lợn sống và gà sống đêm 30 có dáng dấp như một lễ hiến sinh cảm ơn trời đất, tổ tiên và cầu xin một năm mới làm ăn thuận hoà, mọi vật sinh sôi nảy nở. Để ma nhà đói, không được cúng lễ đầy đủ thì cả năm sẽ gặp những vận hạn như đói kém, mất mùa, đau ốm...

Ngày Tết tháng Giêng, các gia đình phải mời thầy cúng đến cúng lễ; những bài cúng bằng tiếng Mông hoặc tiếng Hán cổ với âm điệu trầm buồn du dương lan toả từ nhà nọ sang nhà kia trong suốt các ngày Tết tháng Giêng. Trong tâm thức của người Mông, những câu hát đó như là những câu thần chú có tác dụng xua đuổi tà ma, đem lại bình yên và no đủ cho mọi người trong gia đình, làng bản. Từ ngày 29 tháng Chạp, các gia đình người Mông bắt đầu mổ lợn cúng lễ; trong suốt tháng Giêng, ngày nào cũng cúng cơm sáng, cúng xong, con cháu xin lộc tổ tiên, hạ lễ ăn sau.

Phong tục lễ tết của người Mông đã có từ ngàn xưa, dù là tộc người Mông Hoa, Mông Trắng, hay Mông Xanh… đều rất coi trọng những ngày lễ tết. Mỗi vùng, lễ tết của họ có thể khác đi một chút nhưng vẫn có nét chung mang đậm sắc thái văn hóa Mông được bảo tồn qua hàng ngàn năm./.   

 

Hằng Đỗ