Nghệ An: Phát huy tối đa hiệu quả công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Nghệ An là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn nên nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng rất nhiều. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Nghệ An, mỗi năm Nghệ An sử dụng khoảng 700 tấn lượng thuốc BVTV, và lượng bao bì, chai lọ thải ra môi trường cần xử lý khoảng 70 tấn.
1-10-1668523362.jpeg
Bao bì thuốc BVTV bị người dân vứt bừa bãi trên các cánh đồng

Theo số liệu từ Chi cục TT&BVTV Nghệ An, mỗi năm Chi cục tiến hành thu gom, xử lý theo quy trình an toàn 1 lần khoảng 2,5 tấn rác thải BVTV, khoảng 3,6% lượng bao bì thuốc BVTV. Số lượng bao bì thuốc BVTV còn lại được người dân đem đốt hoặc vứt bừa bãi tại bờ ruộng, dọc các tuyến kênh mương nội đồng. Bên cạnh đó, tình trạng bao gói thuốc BVTV được thu gom vào các bể chứa nhưng không được đem đi xử lý dẫn đến tình trạng nhiều bể chứa ở các xã đã đầy, bao bì chứa hóa chất BVTV rơi vãi ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm cục bộ cũng đang diễn ra phổ biến.

Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng quy định “Người sử dụng thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau pha chế, phun rải để vào bể chứa, không để chung bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng xong thì không được sử dụng vào các mục đích khác, không tự ý xử lý, đem chôn hoặc đốt bao gói thuốc BVTV”. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tại một số địa phương ở Nghệ An không đáp ứng được quy định này.Nguyên nhân của tình trạng trên, là do nguồn kinh phí hỗ trợ thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV còn hạn chế. Các hoạt động thu gom, xây dựng bể chứa thì mới dừng ở việc xây dựng các dự án, mô hình thí điểm, chưa được nhân rộng. Một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom nhưng vấn để sau thu gom lại không có hình thức xử lý theo đúng quy định, đa số lượng bao bì thuốc BVTV sau thu gom đều được đốt hoặc xử lý chung với rác thải sinh hoạt. Bên canh đó, ý thức của một bộ phận người dân trong vấn đề thu gom bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định còn hạn chế, tình trạng vứt bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng còn phổ biến gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường.

Qua khảo sát thực tế tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, là một trong những huyện của tỉnh xây dựng được lượng bể chứa thuốc BVTV lớn. Tính đến thời điểm tháng 8/2018, toàn huyện đang có 2.472 bể, số xã có bể chứa 24/37 xã, thị trấn. Kết quả kiểm tra các thùng chứa cho thấy, phần lớn các bể chứa vẫn chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016 của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT. Các thùng chứa đa phần không có nắp đậy, kính thước nhỏ hơn so với tiêu chuẩn… do không có nắp đậy nên dễ bị người dân bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt và quan trọng hợn nhiều bể không có đáy, khi trời mưa lượng thuốc còn sót lại trong bao bì thuốc BVTV sẽ ngấm xuống đất, ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, nước mặt.

Trước thực trạng trên, để giải quyết rác thải trong sản xuất nông nghiệp các cơ quan chức năng đã đưa quản lý chất thải từ hóa chất BVTV vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét công nhận xã nông thôn mới. Cùng với đó, nhiều đề án về thu gom thuốc BVTV cũng được triển khai, cụ thể như: Đề án “Điều tra hiện trạng thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp và đề xuất biện pháp quản lý” do Sở TN&MT tỉnh Nghệ An chủ trì triển khai từ năm 2015. Hiện nay, 3 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu gồm: Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Tân Sơn và 3 xã thuộc huyện Yên Thành gồm: Bắc Thành, Trung Thành và Nam Thành đã lắp đặt thùng bê tông chứa rác thải bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng.

Đồng thời, các tổ chức chính trị, hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ Nữ, Tỉnh Đoàn… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động hội viên tham gia vào các chương trình thu gom bao gói thuốc BVTV, xây dựng câu lạc bộ, mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV…

bnathuoc-23076035-1652019-1668523560.jpg
Nông dân huyện Yên Thành tham gia thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV tập kết về các bể chứa

Nhằm tăng cường công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, vừa qua tỉnh đã chỉ đạo và đề ra một số giải pháp như: Giao Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Chi cục BVTV tăng cường kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý như đầu tư mua sắm bể thu gom bao bì thuốc BVTV bàn giao cho các xã để xây dựng bổ sung tại các khu vực canh tác còn thiếu nhằm đáp ứng tốt hơn việc thu gom; Đầu tư mua xe thu gom chuyên dụng phục vụ vận chuyển bao bì thuốc BVTV từ các khu vực thu gom về nhà lưu chứa tạm thời và bố trí hỗ trợ kinh phí xử lý lượng bao bì thuốc BVTV; Quy định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, tổ chức từ cấp tỉnh, huyện, xã và cộng đồng trong quản lý bao bì thuốc BVTV. Đồng thời, xây dựng cơ chế tài chính kết hợp giữa kinh phí từ ngân sách với huy động sự đóng góp của cộng đồng trong quản lý bao bì thuốc BVTV. Đảm bảo cho người thu gom bao bì thuốc BVTV cũng được hưởng các chế độ và quyền lợi như đối với người lao động khác, tiến tới hoạt động quản lý bao bì thuốc BVTV theo hướng chuyên môn hóa. Ngoài ra, cần tiến hành thường xuyên các hoạt động xã hội hóa để khuyến khích sự tham gia của người dân. Công tác thu gom bao bì thuốc BVTV phải được tiến hành trên nguyên tắc coi công tác thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV là bắt buộc, trong đó vai trò quản lý của nhà nước là chủ đạo, sự tham gia của người dân mang tính quyết định, phải có cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm thu gom và phải có hợp đồng và quy chế rõ ràng.

Để công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như các đoàn thể. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc xử lý rác thải BVTV không đúng quy định sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hiện tại cũng như cho các thế hệ tương lai sau này. Những biện pháp mà tỉnh Nghệ An đang triển khai bước đầu cũng đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Hy vọng rằng trong những năm tới những cánh đồng tại Nghệ An sẽ không còn “bóng dáng” bao bì thuốc BVTV.

Quốc Cường