An Giang: Nhiều vi phạm trong kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

Tại An Giang, thời gian gần đây liên tiếp phát hiện các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Mặc dù các vi phạm ở quy mô nhỏ lẻ, tính chất vụ việc không lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp.

Nhằm góp phần thực hiện việc bình ổn thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh, xử lý…

*Liên tục phát hiện vi phạm

Trong gian đoạn chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2021- 2022, bà con nông dân tỉnh An Giang lại canh cánh nỗi lo mua nhầm phải phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Theo báo cáo của Công an tỉnh An Giang, từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp cùng các lực lượng liên quan kiểm tra, phát hiện hơn 30 trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, hàng hóa nhập lậu, không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Tổng số số tiền xử phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Điển hình, ngày 9/10, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang) tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Đức An (ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện biên giới An Phú) do ông Trần Văn An (sinh năm 1970) làm chủ, phát hiện tại nơi trưng bày và kho cửa hàng chứa gần 12.200 chai, gói thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón… đã hết hạn sử dụng.

Mới đây, ngày 17/12, cũng tại huyện biên giới An Phú, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã kiểm tra hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Trần Văn Ao (sinh năm 1960, ngụ ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội). Qua kiểm tra, phát hiện tại khu vực kho chứa hàng hoá có cất giấu 196 chai, hộp thuốc trừ bệnh, thuốc diệt chuột xuất xứ nước ngoài (trên bao bì có ghi sản phẩm chứa hoạt chất 2.4D; glyphosate và hoạt chất Zinc phosphide thuộc danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam), 200 chai thuốc trừ bệnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng sản xuất - kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả , kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xảy ra chủ yếu tại các địa bàn biên giới, địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang; Các đối tượng làm “nhái” các thương hiệu, lợi dụng quy định của pháp luật để sản xuất – kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Thậm chí, trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón. Hàng hóa có nhãn mác ghi không đúng quy định, nhãn hàng hoá có thông tin không đúng bản chất, sự thật, hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

*Tăng cường kiểm tra, giám sát

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, 18 cơ sở sản xuất phân bón và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp; nhãn hiệu và sản phẩm lên đến hàng nghìn loại, rất đa dạng phức tạp, gây khó khăn cho quản lý.

Hơn nữa, danh mục phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, lưu hành ở Việt Nam hiện nay có số lượng quá lớn, khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn, cũng như phân biệt hàng thật, hàng giả, kém chất lượng. Đây cũng chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm kinh doanh bất chính.

“Đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... các đối tượng thường quảng cáo chất lượng hàng không đúng sự thật, đưa ra các hình thức khuyến mãi để hấp dẫn người mua, đánh vào tâm lý thích mua hàng giá rẻ của người dân…  do đó, bà con nông dân cần hình thành thói quen mua, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thương hiệu, của các đơn vị, đại lý, cửa hàng lớn, có uy tín”  – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang khuyến cáo.

Để ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, thời gian qua Công an tỉnh An Giang - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tỉnh An Giang đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh trái phép các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...

Đặc biệt, từ tháng 9/2020, Công an tỉnh An Giang đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành với 10 tổ công tác gồm các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường thực hiện tuần tra, kiểm soát trên khu vực biên giới.

Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường kiểm tra đột xuất các nhà máy, cửa hàng sản xuất - kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất-kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi của người nông dân. Các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.  

“Việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực chân chính. Đồng thời, tạo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, bình ổn thị trường, giá cả, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng”, Đại tá Đinh Văn Nơi nhấn mạnh.

Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho rằng, hiện nay, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên các địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm phân tán, hoạt động lén lút, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Do đó, cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền cũng như phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nắm tình hình biến động giá đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng rối loạn thị trường. Từng bước loại trừ tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững./.