BHTG Việt Nam là tổ chức tài chính của Nhà nước được thành lập từ năm 2000, hoạt động không vì lợi nhuận, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Những năm qua, BHTG Việt Nam hoạt động bằng cách thu phí BHTG từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng; đồng thời giám sát, cảnh báo các ngân hàng và tổ chức tín dụng có vấn đề phát sinh. Tại hội nghị, đại diện BHTG Việt Nam đã tuyên truyền, giới thiệu về chính sách BHTG.
Với mạng lưới các Chi nhánh BHTG phủ khắp cả nước, BHTG Việt Nam hiện đang trực tiếp đồng hành với 1.281 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 Ngân hàng hợp tác xã, 1.180 Quỹ Tín dụng Nhân dân và 04 tổ chức tài chính vi mô.
Trong năm 2022, tổng số phí BHTG thu được đạt xấp xỉ 102% kế hoạch NHNN giao. Đến hết năm 2022, quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam đã đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn đạt trên 95 nghìn tỷ đồng. Đến nay, BHTG Việt Nam đã thực hiện chi trả trực tiếp tại 39 Quỹ Tín dụng Nhân dân bị bắt buộc giải thể, tổng số tiền chi trả là 26,78 tỷ đồng cho 1.793 người gửi tiền.
Tại diễn đàn, các đại biểu và thành viên gửi tiền tại Quỹ Tín dụng Nhân dân trên địa bàn thị trấn Tam Sơn đã được lĩnh hội những nội dung cơ bản về chính sách BHTG hiện hành; giải đáp thắc mắc, đề xuất kiến nghị. Thông qua đó, giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của BHTG và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chính sách tiền tệ của Nhà nước. Từ đó, đưa BHTG đến gần hơn các đối tượng, người gửi tiền tiềm năng, góp phần thúc đẩy huy động vốn, xử lý khủng hoảng tài chính và đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng và sự ổn định xã hội. Đặc biệt là đối với vùng cao, biên giới nơi rất cần vốn để đầu tư./.