
Nghiêm cấm trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin, bài như cơ quan báo chí
Luật Báo chí mở ra kỷ nguyên phát triển mới của báo chí, bởi vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số...
Tại hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về mô hình tổ hợp báo chí, liên kết phát triển nguồn lực xã hội và hoàn thiện pháp luật để báo chí cạnh tranh…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình chủ trì phần trao đổi ý kiến tại hội thảo, cũng lưu ý các đại biểu cho ý kiến góp ý những vấn đề mới như mô hình báo chí, đặc biệt là mô hình tổ hợp báo chí truyền thông.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này bổ sung nhiều quy định quan trọng.
Như việc sửa đổi và bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua.
Dự thảo không quy định trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Sản phẩm thông tin có tính chất báo chí chỉ còn đặc san, bản tin.
Theo đó, dự thảo luật đề xuất bổ sung hai hành vi bị nghiêm cấm, gồm: (1) Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin, bài như cơ quan báo chí; (2) Đưa thông tin gây phương hại đến quan hệ đối ngoại, ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế, hình ảnh quốc gia.
Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi lần này là việc bổ sung mô hình tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện.
Theo đó, các tổ hợp báo chí được phép có nhiều cơ quan trực thuộc, hoạt động theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp, được thành lập hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Hội Nhà báo Việt Nam sẽ được giao quyền giám sát, kết luận và kiến nghị xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo.
Về quy định cấp, đổi thẻ nhà báo, luật sửa đổi đưa vào quy định người làm việc tại các tạp chí khoa học sẽ không được cấp thẻ nhà báo.
Tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí
Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho rằng Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí…
Việt Nam hiện chưa có một tổng quy hoạch rõ ràng cho báo chí hướng ra toàn cầu. Chúng ta cần đặt câu hỏi: Đã có tờ báo nào của Việt Nam mang tính toàn cầu hay chưa? Có bao nhiêu cơ quan báo chí đặt văn phòng thường trú ở nước ngoài, hay hiện mới có 4-5 cơ quan lớn sử dụng ngân sách Nhà nước đảm nhiệm vai trò đó?
Nhà báo Phùng Công Sưởng góp ý 3 nội dung dự thảo: Thứ nhất, về hành lang pháp lý và cơ quan chủ quản báo chí, cần nghiên cứu lại mô hình cơ quan chủ quản báo chí sao cho phù hợp. Trong luật nên có quy định rõ, cơ quan chủ quản là ai, trách nhiệm đến đâu…để báo chí phát triển độc lập và chuyên nghiệp hơn.
Thứ hai, về tôn chỉ, mục đích. Theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, tại TP.HCM vừa qua diễn ra Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, báo chí đều phản ánh sự kiện đó và đây là trách nhiệm của cơ quan báo chí. Ông Sưởng đề nghị nên xem xét lại tôn chỉ mục đích của báo chí.
Thứ ba, về kinh tế báo chí và nguồn thu. Báo chí hoạt động hiện nay được định nghĩa là cơ quan sự nghiệp có thu nhưng đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán kinh tế báo chí thì báo chí không thể phát triển.
“Câu hỏi đặt ra ở đây, báo chí đang sống bằng gì và phát triển bằng gì? Muốn báo chí phát triển thì phải định hướng kinh tế báo chí, không có thực lực không phát triển được, nếu không có nguồn nhân lực tốt. Có quy định nào bán nội dung trên báo điện tử không để tất cả các tờ báo phải bán”, ông Sưởng nêu quan điểm và cho rằng, nếu không có cơ chế phù hợp, sẽ không thể phát triển nền kinh tế báo chí vững mạnh.
Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự mở đường cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group - cho rằng cần có quy định, cơ sở để các cơ quan báo chí sau này phát triển tự do kinh doanh, tự do liên kết.
Ông đề xuất đưa vào dự thảo luật làm sao mở điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động phát triển hệ sinh thái báo chí, khai thác các nguồn lực dữ liệu riêng, tạo ra nguồn lực phát triển riêng.
Ông Nguyễn Văn Bá - Tổng biên tập báo Vietnamnet - đề xuất cân nhắc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí, tương tự y tế và giáo dục, thay vì mức thuế hiện hành 15 - 20%./.