Rác thải nhựa đang trở thành thách thức lớn của môi trường
Thực tế, du lịch được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng ngược lại cũng là nguồn phát sinh rác thải nhựa đáng kể. Chính vì thế, sự tham gia tích cực của ngành du lịch toàn cầu vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững.
“Vấn đề rác thải nhựa ngày càng được quan tâm. Các hướng dẫn và quản lý rác thải nhựa trong du lịch đã được nhiều tổ chức xây dựng phù hợp với từng đối tượng khác nhau, đem lại hiệu quả cao. Nhiều mô hình tốt sẽ được nhân rộng trong thời gian tới để ngày càng có nhiều hơn nữa những cơ sở thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,” ông Vũ Thế Bình khẳng định.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, bà Dương Thị Thanh, cho biết cùng với Quảng Nam, Ninh Bình là những địa phương thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” đã đem lại hiệu quả tích cực.
“Trong hoạt động du lịch, có những buổi tập huấn về giảm thiểu rác thải nhựa chúng tôi chỉ mời khoảng 100 người tham dự là những người chèo đò, nhân viên các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng... nhưng có hơn 200 người đến dự. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch, lưu trú cũng đã chủ động bắt tay hành động nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là nhựa dùng một lần tại đơn vị. Đây là những tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy sự thay đổi cả nhận thức và hành động của cộng đồng làm du lịch tại Ninh Bình”, bà Dương Thị Thanh cho hay.
Mặc dù vậy, theo bà Dương Thị Thanh, trong quá trình thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa vẫn còn những hạn chế cần được giải quyết trong thời gian tới như: chi phí đầu tư ban đầu cao; việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong và ngoài các khu du lịch chưa đồng bộ; du khách còn mang theo rác thải nhựa khi di chuyển; một số điểm tập kết rác thải dân sinh ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch…
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy chia sẻ: “Thời gian qua, ngành du lịch đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, từng bước phục hồi sau các tác động của dịch Covid-19. Từ đó, đẩy nhanh quá trình tăng trưởng trở lại của du lịch Việt Nam trong điều kiện, tình hình mới để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững”.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, để đạt được mục tiêu đó, song song với quá trình thúc đẩy phát triển sản phẩm, hoàn thiện dịch vụ trong nước, việc hội nhập với quốc tế về các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là phát triển du lịch xanh, giảm thiểu phát thải nhằm đóng góp tích cực đối với việc bảo vệ hành tinh, bảo đảm chất lượng môi trường sống của nhân loại cần được quan tâm.
Ngành du lịch nói không với nhựa dùng một lần vào năm 2030
Nhận thức được yêu cầu cấp thiết về việc bảo vệ môi trường, với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tích cực, chủ động hưởng ứng mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay: Hiện nay, ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Mặc dù đã có không ít nỗ lực, nhưng việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển của ngành du lịch. Vì vậy, quá trình này cần được tiến hành một cách bài bản, đúng trọng tâm nhiệm vụ.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ năm 2018, tổ chức này đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam-Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” và được các doanh nghiệp du lịch cả nước, nhiều địa phương hưởng ứng. Riêng với Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”, qua 18 tháng triển khai, đã đạt được nhiều kết quả.
Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trong nhà hàng, khách sạn, khu/điểm du lịch đã được thực hiện, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước. Trong 3 tháng thực hiện thí điểm tại 60 đơn vị ở Ninh Bình và Hội An đã giảm trung bình 35% lượng rác thải nhựa.
Đơn cử tại Ninh Bình, tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh sau khi thí điểm đã giảm từ 14% xuống 23% so với trước thí điểm ở các loại hình doanh nghiệp: khách sạn 23%, nhà hàng 14%, lữ hành 14%, điểm tham quan 20%.
Tại Hội An, lượng rác thải nhựa phát sinh giảm tới 64% tại khách sạn trong quá trình tham gia chương trình thí điểm. Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa được xây dựng và ban hành được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Nhiều đơn vị đã sử dụng sản phẩm tái sử dụng hoặc thân thiện môi trường.
Đặc biệt, Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch được ban hành, đã tạo cơ sở cho các thành viên của Hiệp hội Du lịch triển khai và thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa. “Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục nhân rộng các hoạt động này đến các địa phương khác, hướng tới chuyển đổi xanh trong kinh doanh du lịch để phát triển bền vững”, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thu Hoa - chuyên gia đánh giá của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thông tin, về cơ bản, dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" đã hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch.
“Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa đã được triển khai thí điểm phổ biến tại một số khu, điểm du lịch ở tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa cũng được xây dựng và áp dụng thử nghiệm đối với các doanh nghiệp tại hai địa phương trên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thu Hoa cho biết thêm./.