Nét đẹp văn hóa trong các phong tục ngày Tết của người Thái Nghệ An

Những ngày cuối năm nhiều tất bật, bận rộn, không chỉ người Kinh mà còn có một số các dân tộc ít người khác cũng đang rộn ràng đón Tết Nguyên đán, trong đó có dân tộc Thái của vùng núi Tây và Tây Bắc Nghệ An với những nét vô cùng độc đáo về văn hóa và ẩm thực.
img-4699-1643637160.JPG

Ném còn ngày tết ở Mường Ham, Quỳ Hợp, Nghệ An

Vốn dĩ, người Thái không ăn Tết Nguyên đán, trước đây họ chỉ có Tết cơm mới, Tết mừng nhà mới, Tết độc lập 2/9… Phải tận sau những năm 1960 mới tổ chức ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh.

Hiện nay, Tết Nguyên đán đã trở thành Tết truyền thống của dân tộc Thái và các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, tuy có những nét giao lưu về văn hóa, nhưng cơ bản, Tết của dân tộc Thái vẫn giữ những bản sắc rất riêng của mình.

Tết Nguyên đán là dịp lễ hội tụ nhiều nét văn hóa của đồng bào Thái thể hiện ở phong tục, tập quán, các trò chơi dân gian, những mâm cơm cúng đất trời cầu mong cho dân làng một mùa màng bội thu, no ấm, những món ăn độc đáo, riêng biệt để mời khách. Giữa tháng Chạp là thời điểm mà người Thái bắt đầu chuẩn bị cho Tết của mình, các phiên chợ nô nức người đi sắm sửa, các đường ngõ xóm đều được chỉnh trang, tu sửa sạch đẹp.

Ngày 30 Tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình đều đi tắm rửa, gội đầu giải xui với nước quả bồ kết, lá cây, ý nghĩa rửa sạch, tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, nghênh đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới sắp đến. Cũng trong những ngày cuối năm này, mỗi gia đình đều có tục lệ làm vía, buộc chỉ cổ tay. Thường sẽ có thầy cúng làm lễ gọi hồn, gọi vía, xua đi tất cả những rủi ro, kém may mắn, bệnh tật, sau đó sẽ buộc chỉ cổ tay để nhằm mang đến sự may mắn, tốt lành.

img-4700-1643637254.JPG

Niềm vui bên chum rượu cần

Để chứng tỏ là ngày Tết thực sự vui, con cháu trong nhà phải túc trực, đánh chiêng trống chào đón; bày các loại áo, váy, quần áo trẻ em, vải vóc, mặt chăn thổ cẩm, bạc nén, vòng cổ, vòng tay để tổ tiên chứng dám khung cảnh và hương vị của ngày Tết. Váy áo của phụ nữ phải chọn mặc những bộ mới đẹp và rực rỡ nhất.

Người Thái có tục giữ lửa bếp trong suốt đêm Giao thừa. Đồng bào quan niệm rằng, nếu bếp lửa mà tắt thì năm mới sẽ gặp phải nhiều điều không may mắn. Cùng với giữ lửa, người Thái sẽ đi lấy nước suối cầu may, thời gian phải trước khi gà gáy canh một mới có ý nghĩa.

Việc lấy được nguồn nước mát lành tinh khiết đồng nghĩa với việc năm đó gia đình sẽ mạnh khỏe, hạnh phúc… Sáng mồng một Tết, nhà nhà sẽ thăm hỏi, chúc mừng nhau, vui chơi, ca hát, đặc biệt, các trò chơi ngày Xuân cho đến nay vẫn rất được người Thái giữ gìn như ném còn, nhảy sạp rất rộn ràng, nhộn nhịp.

Dấu ấn đậm nét trong Tết của người Thái phải nói đến ẩm thực của họ. Ngày 30 Tết, mỗi nhà đều sẽ gói các loại bánh truyền thống: Bánh chưng, bánh sừng trâu, bánh ít…, đặc biệt bánh chưng có hai loại: Bánh chưng trắng và bánh chưng đen (có thể nấu từ nếp cẩm hoặc giã tro sạch, lọc nước và nhuộm nếp sau đó đem nấu).

Mâm cơm cúng của người Thái rất đa dạng, có cả những món ăn du nhập của người Việt sau này, nhưng bao giờ cũng có những món rất truyền thống: Mọc, bánh chưng, bánh sừng trâu, cá nướng, thịt nướng, canh thịt viên mật ong… và một chiếc thủ và bốn chân lợn để cúng, thể hiện sự thành kính với ông bà tổ tiên.

img-4701-1643637308.JPG

Mâm cơm ngày Tết của người Thái Quỳ Châu, Nghệ An

Các món ăn ngày Tết cũng vô cùng độc đáo: Mọc là loại bánh làm từ bột gạo nếp và gạo tẻ, thịt gà băm nhỏ, cây chuối rừng băm nhỏ, trộn đều cùng gia vị rồi gói lại và nấu. Canh môn nấu từ lá và thân cây mùng (môn) và da trâu phơi khô, nướng lên, bẻ nhỏ rồi hầm mềm, quấy nhuyễn cùng nhau rồi nêm gia vị… món canh măng, thịt chua, thịt giàng gác bếp… đều không thể thiếu.

Ngày Tết của người Thái càng không thể thiếu những ché rượu cần tự ngâm ủ bên đống rửa rực hồng, ấm áp, cùng điệu hát múa câu lăm, múa sạp. Lời yêu thương, thân thiết, chúc tụng vang xa sau mỗi lần chiếc sừng trâu được đem ra để đong đo lượng rượu.

Việc đón Tết Nguyên đán của người Thái ở Nghệ An là như vậy. Đó không chỉ là dịp để đồng bào được ăn ngon, mặc đẹp mà còn tạo được sự gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình, dòng họ và cả cộng đồng làng bản, qua những lời ca, tiếng hát, những chén rượu, lời chúc tốt đẹp gửi đến nhau khi Tết đến, Xuân về. Đời sống xã hội hôm nay có nhiều thay đổi với sự du nhập nhiều giá trị văn hóa mới nhưng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vẫn được giữ gìn và phát huy./.

Xuân Hiển