Thủy điện ngày càng giảm công suất phát do thiếu nước, và bị chặn bởi thượng nguồn. Nhiệt điện than tiêu tốn nhiều tài nguyên Nguyên liệu hóa thạch, nhập khẩu nguyên liệu giá cao, ô nhiễm môi sinh… Điện mặt trời tại Việt Nam tiềm năng dồi dào nắng, khai thác tập trung ban ngày. Phong Điện đang được khai thác còn hạn chế tại một số tỉnh, khai thác tốt ban đêm. Các nguồn năng lượng bền vững và dồi dào khác đang được nghiên cứu.
Tài nguyên cần được giữ lại, địa dư cần được bảo vệ
Một thống kê chỉ ra rằng, tốc độ gia tăng của nhu cầu tiêu thụ điện đang cao gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng của lượng điện cung cấp ra thị trường. Giới chuyên gia xác định, hiện nay, con đường duy nhất để Việt Nam giải quyết bài toán giảm áp lực nguồn cung điện là năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng biogas… là những nguồn cung cấp dồi dào, góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Do đó, một cuộc cách mạng về năng lượng là vấn đề rất cần thiết, vì điều này sẽ hóa giải tất cả những nan giải về an ninh năng lượng toàn cầu.
Thủy Điện đã tới hạn, địa dư cần được bảo tồn
Tổng quan về năng lượng Việt Nam cho thấy, tổng công suất thủy điện của nước ta trên lý thuyết vào khoảng 35.000MW, trong đó 60% tập trung tại miền Bắc, 27% phân bố ở miền Trung và 13% thuộc khu vực miền Nam.
Giai đoạn 2015 - 2020 có hơn 200 dự án với tổng công suất 6.198,88 MW đang xây dựng, riêng bốn tỉnh miền Trung cùng hai tỉnh ở Tây nguyên là Kontum và Đắk Nông có khoảng 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã được phê duyệt. Tuy nhiên, theo dự báo của Quy hoạch phát triển điện đến các năm 2020 và 2030 thủy điện chỉ còn chiếm khoảng 23% trong tổng sản xuất điện.
Những đập thủy điện do Trung Quốc và Lào xây dựng nơi thượng nguồn dòng Mekong đã gây ra hệ lụy rất lớn cho môi trường nước tại vùng hạ lưu từ khi dòng chảy tự nhiên đã bị biến đổi. Vì vậy, sự cực đoan của thời tiết ngày càng rõ hơn như; hạn hán kéo dài, tình trạng xâm nhập mặn lan rộng hơn cũng bởi sự can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.
Nhiệt điện Than vốn đầu tư lớn, tổn hại môi sinh và tài nguyên hóa thạch cần gìn giữ
Giảm điện than là xu hướng tất yếu phải làm, các liên minh tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền - sức khỏe - môi trường - năng lượng - pháp lý nhấn mạnh nếu tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ hủy hoại môi trường, khí hậu, sức khỏe con người, đe dọa sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế, xã hội.
Cụ thể, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (Sóc Trăng) đã trì hoãn 8 năm, trong khi 2 dự án Long Phú 2, Long Phú 3 ở địa phương này chưa tìm được nhà đầu tư. Gần chục năm trùm mền, sự dở dang của dự án đã trở thành bãi phế liệu về thời gian, tài chính và đất đai. Từ các phân tích trên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ nhiều tổ chức kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng triển khai 14 dự án nhiệt điện, có tổng công suất 17.390 MW để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID), năm 2020 là năm đạt đỉnh của công suất điện than ở nước ta. Sau thời gian này, Việt Nam sẽ không cần phải xây dựng thêm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than, tương đương khoảng 25 nhà máy vào năm 2030.
Không chỉ không phải huy động 60 tỷ USD vốn đầu tư cho những dự án này, Việt Nam sẽ không phải đốt khoảng 70 triệu tấn than/năm tương ứng với 7 tỷ USD/năm cho việc nhập khẩu nhiên liệu than và quan trọng nhất là giảm phát thải 116 triệu tấn CO2/năm vào năm 2030. Và kịch bản này sẽ giúp tránh được khoảng hàng ngàn ca tử vong sớm hằng năm do bị ô nhiễm môi trường vào năm 2030.
Giải pháp phát triển bền vững - Điện mặt trời, Điện gió, Điện sinh học
TS. Tô Vân Trường - chuyên gia tài nguyên nước và môi trường cho rằng, thủy điện, nhiệt điện đang gây hệ lụy lớn cho môi trường bởi sự khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên, còn điện khí thì khá đắt nên kén nhà đầu tư. Nước, than, khí đốt, dầu mỏ… là nguồn tài nguyên hữu hạn, quí giá và không thể tái tạo, trong khi Việt Nam trữ lượng nắng - gió là vô tận, trải dài từ Nam chí Bắc.
TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho rằng, theo ước tính, đến 2030, nguồn điện từ năng lượng tái tạo có thể thay thế được khoảng 20% điện than. Còn trên thế giới, dự kiến đến năm 2040, điện than vẫn chiếm khoảng 25% tổng nguồn cung điện.
Thủy điện - nhiệt điện trong một thời gian rất dài đã làm tròn vai thắp sáng cho cuộc sống con người khi sự tiến bộ của khoa học công nghệ còn hạn chế. Ngày nay, thế giới đã sang trang của sự phát triển vượt bậc thì khai thác điện gió và điện mặt trời đang là xu thế tất yếu vì ưu điểm đối với môi trường, đặc biệt không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Nghiên cứu khai thác tối ưu nguồn năng lượng tái tạo Điện Mặt Trời, Điện gió Kết hợp thu nắng vào ban ngày và tận dụng sức gió vào ban đêm biến chúng trở thành điện năng mỗi lúc phổ biến hơn.
Ngoài ra, ở dưới các tầng pin là khoảng trống diện tích đất thì hoàn toàn có thể canh tác các loại giống cây nông sản hay dược liệu phù hợp. Thú vị hơn, các nhà máy quang năng còn trở thành mô hình du lịch độc đáo, đem lại hiệu quả kinh tế và đặc biệt hơn là mang đến ý nghĩa quan trọng về giá trị cuộc sống bền vững.
Do vậy, rất cần một cơ chế đặc thù về giá điện thương phẩm linh động, vốn ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư trong nước. Đó là cách để giữ lại tài nguyên cho quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng cho thế giới./.