Tác phẩm của ông không chỉ mang lại cho người đọc những cảm nhận về lòng nhân ái, bao dung, thấm đậm chất nhân văn, mà còn giúp người đọc biết cảm thụ, nhạy cảm trước cái đẹp, cái thiện, cái ác, cái cao thượng, cái thấp hèn để thấy được giá trị của cuộc sống. Tác phẩm của Nam Cao không thiên về xây dựng những bức tranh xã hội rộng lớn với các mối quan hệ phức tạp và những xung đột căng thẳng. Hiện thực mà Nam Cao phản ánh trong tác phẩm của mình là những điều nhỏ bé, bình thường, vụn vặt mà Nam Cao gọi là “những chuyện không muốn viết”.
Nam Cao đã thông qua những mảnh đời bình thường giản dị, thông qua các tình huống, các cuộc đời nhân vật để nêu bật những giằng xé trong nội tâm, những ước mơ về một tương lai tốt đẹp. Sáng tác của ông đã đạt đến trình độ điển hình hoá cao trên nhiều phương diện nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Nắm bắt tâm lý con người một cách sâu sắc, “Nam Cao có khả năng đi vào những thạng thái tâm lý không rõ ràng”, “khả năng phản ánh hiện thực qua tâm trạng”.
Nam Cao thấu hiểu và thường viết về những kiếp người mà cuộc đời họ là những chuyển tiếp của những nỗi buồn khổ, quanh năm bị áp lực của thiếu thốn, lo toan đè nặng. Đó là những người nông dân không lo nổi cho đàn con thơ miếmg cơm manh áo, những người đàn bà lúc nào cũng bẳn gắt chì chiết chồng con, những anh chàng trí thức tiểu tư sản ăn nói độc địa, hằn học..., nhưng ở họ vẫn toát lên bản chất hồn hậu, chất phác, chứa chan tình người.
Nhà văn không chỉ nhìn thấy phần “u tối” của cuộc sống bần cùng mà còn nhìn thấy cái đẹp vẫn lấp lánh sáng trong chính cái phần “u tối” của cuộc sống bần cùng đó và đã tìm thấy những hạt trân châu lóng lánh trong sâu thẳm những thân phận con người, bởi vậy ông đã viết về những người nông dân, những trí thức tiểu tư sản cùng khổ với một thái độ trân trọng, yêu thương. Nam Cao là nhà văn được đánh giá cao còn bởi ngay từ những ngày văn học lãng mạn đang là một trào lưu mạnh mẽ, ông đã xác định cho mình một hướng đi riêng, một hướng đi đúng đắn với quan niệm “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa - 1943).
Quan niệm nghệ thuật đó đã được cụ thể hóa bằng tài năng xuất sắc của Nam Cao trong việc nhào nặn những chất liệu hiện thực rất đỗi đời thường và biến nó thành những vấn đề xã hội có ý nghĩa to lớn. Quan niệm nghệ thuật đó còn được tác giả thể hiện ở thái độ lên án thứ văn chương “tả chân”, “hời hợt”, và xác định phải thông qua những tình huống điển hình để miêu tả chiều sâu đời sống nội tâm của con người. Viết về sự tha hoá của người nông dân, thành công của Nam Cao đã được ghi nhận với nhân vật “Chí phèo”, cái gã Chí lúc tỉnh lúc say, khi thì thật bản năng, lúc lại như một con người có ý thức, cũng có những khoảng lặng của cảm xúc, có những lúc muốn vươn tới cái tốt, vươn tới để làm người.
Bằng cách miêu tả Chí Phèo trong hàng loạt tình huống như vậy khiến gương mặt nhân vật hiện lên ở mọi góc độ và bộc lộ bản chất đầy đủ nhất, Nam Cao đã làm cho người đọc xót xa nhận ra rằng cái anh chàng không cha không mẹ, chỉ có độc một nghề rạch mặt ăn vạ ấy thật đáng thương. Hắn không phải là thứ bỏ đi dù bị lũ cường hào ác bá đè nén áp bức, đẩy vào con đường tha hóa, nhưng thẳm sâu trong lòng hắn vẫn cộn lên ước muốn được làm người lương thiện. Cách miêu tả đó không chỉ thể hiện tấm lòng nhân ái của người cầm bút mà còn quyến người đọc cùng sẻ chia tâm trạng, cùng có cái nhìn bao dung với Chí Phèo và cảm thông với hắn.
Hiệu quả của cách miêu tả đó còn thể hiện ở những nhân vật trí thức nghèo Thứ trong “Sống mòn”, Hộ trong “Đời thừa”, và sau này với anh nông dân nhiệt tình tuyên truyền kháng chiến và Độ trong “Đôi mắt”, đã cho thấy sự đúng đắn của hướng đi Nam Cao lựa chọn, cùng với những nét khác biệt của riêng ông không chỉ góp phần làm nên tên tuổi nhà văn hiện thực xuất sắc Nam Cao, mà còn khẳng định Nam Cao là một trong những nhà văn đặt nền móng cho nền văn học hiện đại Việt Nam.
Bước vào con đường văn chương lúc chưa tròn 20 tuổi, viết tác phẩm xuất sắc "Chí Phèo" khi mới 24 tuổi, viết tiểu thuyết "Sống mòn" năm 27 tuổi, viết “Nhật ký ở rừng”, “Đôi mắt” khi mới 31 tuổi và rất nhiều truyện ngắn đặc sắc, nhà văn quê làng Đại Hoàng, người luôn tự giày vò khổ sở vì lẽ sống thế nào cho phải, viết thế nào cho hay... đã khắc sâu tên mình trong lòng độc giả.
Ông là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam 1930 – 1945, người góp phần đưa trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam đầu thế kỉ XX phát triển đến đỉnh cao với những tác phẩm xuất sắc của ông. Chính vì vậy, hiện thực được nói đến trong các tác phẩm của Nam Cao đã được giới phê bình nghiên cứu tôn vinh và khái quát thành “chủ nghĩa hiện thực Nam Cao”.
15 năm cầm bút, Nam Cao đã để lại một khối lượng sáng tác không nhỏ với với các bút danh Nguyệt, Thúy Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê, Nam Cao... và một phong cách độc đáo, khi trữ tình sâu lắng, khi trào lộng xót xa, sang trọng mà bình dị, tinh tế chi tiết mà khái quát... Tác phẩm của Nam Cao không chỉ có giá trị văn chương mà còn chứa đựng tâm huyết của một tài năng lớn và ước vọng nhân văn cao đẹp nhà văn ký thác cho cuộc đời./.
Tài liệu tham khảo
- Nam Cao - Trang Website UBND tỉnh Hà Nam
- Nam Cao - Trang Website Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
- Nhà văn liệt sỹ Nam Cao và những đóng góp cho nền báo chí cách mạng - Trang Website UBND tỉnh Hà Nam
- Tiểu sử Nam Cao - Trang Website fahasasg.com.vn
- Từ điển Văn học, Bộ mới, 2004, NXB Thế giới.
- Wikipedia tiếng Việt.