Nam Cao - Trí thức dấn thân không chịu sống mòn (Kỳ 2)

Mùa thu năm 1945 bùng nổ cuộc khởi nghĩa lịch sử, Nam Cao cùng người dân quê ông tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân và được cử làm Chủ tịch xã của chính quyền mới ở địa phương, song chủ yếu làm báo, viết văn và làm công tác thông tin tuyên truyền ở tỉnh Hà Nam.
doi-lua-xung-doi-1639295921.gif
Minh họa

Sau Cách mạng tháng Tám, mặc dù đã giành được chính quyền nhưng nhà nước Việt Nam non trẻ phải đối mặt với trăm nghìn khó khăn, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài luôn tìm kiếm cơ hội lật đổ chính quyền mới, đất nước vừa trải qua nạn đói làm 2 triệu người chết, việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng cách mạng càng trở thành yêu cầu cấp bách.

Để thực hiện chủ trương nhanh chóng tập hợp lực lượng thanh niên vào tổ chức, đứng ra gánh vác công việc của chính quyền cách mạng, ngoài tờ Xung Phong, tỉnh Hà Nam còn thành lập thêm tờ Quyết Chiến, Bó Đuốc phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền. Xung Phong là tờ báo của Thanh niên cứu quốc tỉnh, trụ sở toà báo đặt ở Phủ Lý, do Nam Cao làm Chủ bút. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ bút tờ Xung Phong, Nam Cao còn tham gia viết tin, bài và hợp tác in ấn, phát hành với Giữ nước, Cờ chiến thắng - các tờ báo cách mạng khác của tỉnh Hà Nam và nhiều tờ báo khác. Truyện ngắn "Mò sâm-banh" in trên tạp chí Tiên Phong được viết chính trong những ngày Nam Cao tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương.

Giành chính quyền chưa được bao lâu thì kháng chiến bùng nổ, trụ sở toà soạn báo Xung Phong chuyển về vùng bán sơn địa Phù Thụy, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng để tránh sự khủng bố của giặc. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, toà soạn thiếu người, công nghệ in ấn thô sơ (báo in thạch rồi in ty-pô quay tay) nhưng Nam Cao đã cố gắng đảm bảo cho tờ Xung Phong duy trì xuất bản đều kỳ, tích cực tuyên truyền cách mạng và trở thành nguồn cổ vũ động viên nhân dân, nhất là giới trẻ, tham gia kháng chiến.

Đầu năm 1947 Nam Cao ra Hà Nội hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc rồi tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách phái viên Văn hóa cứu quốc, lên đường vào mặt trận Nam Trung bộ. Ở Nam Trung bộ, ông viết và gửi in truyện ngắn "Nỗi truân chuyên của khách má hồng" trên tạp chí Tiên Phong, in tập truyện ngắn "Cười" ở Nhà xuất bản Minh Đức và in lại tập truyện ngắn "Chí Phèo". Sau đó Nam Cao ra Bắc nhận công tác ở Ty Văn hóa Hà Nam, làm chủ bút tờ Giữ nước rồi tờ Cờ chiến thắng.

Mùa thu năm 1947, theo lời mời của Chủ nhiệm báo Cứu quốc Xuân Thủy, nhà văn lên Việt Bắc làm Thư ký tòa soạn báo Cứu quốc, sau đó cùng với nhà văn Tô Hoài phụ trách tờ Cứu quốc Việt Bắc, tờ báo in bằng hai thứ tiếng Việt, Tày, dành cho đồng bào các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, và phụ trách lớp huấn luyện chính trị của địa phương. Với tư cách chủ nhiệm báo Cứu quốc Việt Bắc, nhà văn đã đến nhiều vùng trên chiến khu tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào Việt Bắc để có cách viết, cách làm báo phù hợp nhằm đạt được mục đích tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng.

Là người phụ trách năng động, hết lòng với công việc chung, Nam Cao viết rất nhiều cho tất cả các chuyên mục của Cứu quốc Việt Bắc với đủ các thể loại tin, bài, và luôn cầu thị. Từng là nhà văn nổi tiếng của một thời với rất nhiều tác phẩm được đông đảo độc giả yêu thích, nhưng mỗi lần viết xong một bài báo, ông lại đọc cho anh liên lạc người dân tộc Tày nghe và sửa chữa nhằm đảm bảo tính hiệu quả của từng bài báo.

Các chủ trương chính sách của Đảng còn được Nam Cao tuyên truyền dưới hình thức ca dao, văn vần để đồng bào dễ nhớ, dễ thuộc, dễ làm theo. Đặc biệt, các bài ca dao văn vần ấy được Nam Cao nhờ nhà thơ Nông Quốc Chấn dịch sang tiếng Tày để số đông đồng bào chiến khu đọc được, nghe được và hiểu được, vì thế hiệu quả tuyên truyền đạt được càng cao, tờ Cứu quốc Việt Bắc càng trở nên gần gũi với đồng bào vùng chiến khu Việt Bắc hơn.

Tại chiến khu, năm 1948, Nam Cao gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được chỉ định vào Tiểu ban Văn nghệ của Đảng, từ đây, với cảm quan mới, Nam Cao hăng hái tham gia công tác văn hóa, văn nghệ và báo chí cứu quốc, hòa mình vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nam Cao viết trên báo Cứu quốc: “Cuộc kháng chiến đã biến đổi hẳn cuộc sống của chúng ta, cuộc sống ở quanh  ta, biến đổi  từ y phục, ngôn ngữ, cử chỉ của  từng người, biến đổi cả đến sự sinh hoạt tình cảm và tư tưởng” (Vài ý nghĩ về văn nghệ). Có thể thấy rõ những đổi mới lớn trong nhiều sáng tác mới của Nam Cao.

Những trang viết trong kháng chiến của nhà văn, không còn cái u tối, nặng nề như trước kia mà phơi phới tâm trạng vui tươi, phấn khởi của một con người lạc quan và tin tưởng. Khiêm tốn, giản dị, chân thành, nhà văn không ngại khó ngại khổ, hăng hái đi và viết, kịp thời cổ vũ động viên chiến sĩ ngoài tiền tuyến, tuyên truyền vận động đồng bào trong vùng địch hậu, trên chiến khu tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong chính những ngày tháng gian nan này Nam Cao đã có nhiều sáng tác có giá trị đặc sắc, tiêu biểu cho văn xuôi kháng chiến thời kỳ đầu.

Một trong những tác phẩm tiêu biểu đó là "Nhật ký ở rừng" được viết 1948, trong thời gian nhà văn hoạt động ở vùng sâu Bắc Cạn. Đó cũng là lúc quân dân ta vừa liên tiếp ghi được những chiến công vang dội: Chợ Đồn, Chợ Rã, Bông Lau, Sông Lô…, bẻ gẫy cuộc tấn công quy mô của giặc Pháp lên Việt Bắc thu đông năm 1947. Tác phẩm đã thể hiện quan niệm sẵn sàng hy sinh thứ nghệ thuật cao siêu với mục đích lợi ích dân tộc là trên hết, "sống đã rồi hãy viết" và "góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho một nghệ thuật cao hơn"./.

Đỗ Hằng và Hà Phương Thiện