Năm 2022, Lai Châu đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,7%

Sáng 15/12, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 8 điểm cầu các huyện, thành phố về tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Năm 2022, Lai Châu phấn đấu tốc độ tăng trư­ởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 7,7%, GRDP bình quân đầu người khoảng 47,9 triệu đồng. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp 5%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.250 tỷ đồng, tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu 4,18%...

UBND tỉnh Lai Châu xác định mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp

Tỉnh tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế; phát huy lợi thế cửa khẩu quốc tế, mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc...

toancanh1-1639555453.jpeg
Thành phố Lai Châu. Ảnh minh hoạ

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu Mai Văn Thạch bày tỏ, để thực hiện hiệu quả, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, sở sẽ rà soát sửa đổi bổ sung các chính sách về đất đai, nhất là chính sách về giá đất, cơ chế hỗ trợ.

Đồng thời, tiếp tục rà soát đội ngũ công chức, viên chức từ cấp sở, phòng đến cơ sở để sắp xếp đảm bảo đội ngũ có trách nhiệm và chuyên môn cao phục vụ người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các địa phương ngăn chặn, xử lý kịp thời trường hợp lấn chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng và xây dựng công trình trái phép trên đất quy hoạch các dự án.

Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Vương Thế Mẫn cho rằng, để thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã; tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án đầu tư đang hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, quan tâm hơn nữa nguyện vọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề nghị các ngành, địa phương rà soát lại các chỉ tiêu của năm trước, chỉ tiêu nào chưa đạt tìm ra nguyên nhân để khắc phục trong năm tới. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh Lai Châu tránh việc chồng chéo các chế độ, chính sách của Trung ương và của tỉnh; chuẩn bị tốt đề án, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thu hút đầu tư bằng nhiều biện pháp linh hoạt khác nhau. Bên cạnh đó, tập trung cơ cấu ngành nông nghiệp; thực hiện linh hoạt hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID -19...

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 xảy ra, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực của toàn tỉnh Lai Châu, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,6%, tổng sản phẩm bình quân đầu người ước đạt 44,4 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 8,7% so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, vượt 37,5% dự toán Trung ương giao…/.