Lai Châu đánh giá hiệu quả hoạt động khu vực kinh tế tập thể

Ngày 1/11, Tỉnh Ủy Lai Châu tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xác định mục tiêu, phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.
vna-potal-lai-chau-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-kinh-te-tap-the-stand-1635752915.jpg
Ông Đặng Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN 

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thời gian qua, các mô hình hợp tác xã ở Lai Châu có vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển; tạo điều kiện để các thành viên tham gia liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.

Phó Cục trưởng Cục phát triển Hợp tác xã mong muốn, Lai Châu tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, phát huy những kết quả đạt được để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; tạo điều kiện để các tổ kinh tế tập thể phát triển về chiều sâu.

Giai đoạn tới, tỉnh Lai Châu đề ra mục tiêu tiếp tục triển khai tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tập trung hỗ trợ củng cố các Hợp tác xã yếu kém, hoạt động không có hiệu quả; khuyến khích thành lập mới Hợp tác xã và thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 430 tổ hợp tác với trên 3.200 thành viên, 410 hợp tác xã với trên 7.500 thành viên và 4 liên hiệp hợp tác xã với 21 thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên, tạo việc làm cho trên 10.000 lao động thường xuyên. Tầm nhìn đến 2045, toàn tỉnh có 600 tổ hợp tác với trên 6.000 thành viên, 650 hợp tác xã với 11.000 thành viên và 10 liên hiệp hợp tác xã với 100 thành viên; tạo việc làm cho trên 25.000 lao động thường xuyên.

Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và kiến nghị đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trong thời gian tới.

Đại diện Hợp tác xã Trái tim, ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ nêu rõ khó khăn, hạn chế đang gặp phải về nguồn vốn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là đường giao thông dẫn vào xã bị hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, hợp tác xã đề nghị cấp có thẩm quyền sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; các ngân hàng tạo điều kiện để hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, tỉnh Lai Châu luôn quán triệt nhận thức sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế tập thể; thống nhất nhận thức về vị trí vai trò, tính tất yếu khách quan của tổ chức kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế xã hội.

Từ năm 2004 đến nay, Lai Châu đã mở 54 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Hợp tác xã với trên 2.000 lượt học viên. Đào tạo cho trên 107.000 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 6,5% năm 2004 dự ước lên 53,4 vào cuối năm 2021. Tạo điều kiện cho 170 hợp tác xã vay vốn với số tiền gần 50 tỷ đồng và vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên 721 tỷ đồng.

Đến năm 2021, Lai Châu có 255 tổ hợp tác với 1.900 thành viên, 320 hợp tác xã, với 2.937 thành viên và một liên hiệp hợp tác xã với 4 hợp tác xã thành viên. Giá trị tài sản của các hợp tác xã dự ước đạt hơn 824 tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt 1,3 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân hợp tác xã đạt 90 triệu đồng và thu nhập bình quân của lao động đạt 37,2 triệu đồng/năm, tăng 31,2 triệu so với năm 2004.

Tỉnh có 19 hợp tác xã nông nghiệp tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm với 35 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Lai Châu công nhận. Các hợp tác xã đã thu hút hơn 1.200 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho 1.383 lao động có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội địa phương.

vna-potal-lai-chau-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-kinh-te-tap-the-stand-2-1635752935.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ kết luận tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế và kinh tế tập thể; coi phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của hệ thống chính trị.

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát tiển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đổi mới, nâng cao hiệu quả họat động của các tổ chức kinh tế tập thể, phát huy nội lực của hợp tác xã thông qua việc tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cho các tổ chức thành viên…

Dịp này, UBND tỉnh Lai Châu đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết 13-NQ-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.