Mỹ cấm bán nhựa dùng một lần tại các khu vực công cộng vào năm 2032

Vào ngày 8/6 vừa qua, Bộ Nội vụ Hoa Kỳ cho biết sẽ loại bỏ dần việc bán các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các công viên quốc gia và các khu đất công cộng vào năm 2032, hoạt động này nằm trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm nhựa khi tỷ lệ tái chế của đất nước này tiếp tục giảm.
ezgifcom-gif-maker-1654833785.jpg
Rác thải tại Công viên Bảo tồn Quốc gia Big Cypress.

Bà Deb Haaland, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ đã ban hành lệnh giảm thiểu mua bán và phân phối các sản phẩm và bao bì nhựa trên gần 500 khu vực công cộng. Hành động này sẽ giúp giảm hơn 14 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra biễn mỗi năm. Theo sắc lệnh này, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần bao gồm hộp đựng thực phẩm, đồ uống bằng nhựa, polystyrene, chai lọ, ống hút, cốc, dao dĩa và túi nhựa dùng một lần.

Kể từ năm 2011, một số công viên quốc gia đã áp dụng lệnh cấm bán chai nước bằng nhựa trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa và chi phí tái chế. Việc này đã giúp loại bỏ 2 triệu chai nước mỗi năm cho tới năm 2017.

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thải ra nhiều rác nhất thế giới. Theo ước tính, tỷ lệ tái chế của nước này đã giảm xuống chỉ còn 5 - 6% vào năm 2021 khi một số nước ngừng nhận rác thải của Hoa Kỳ và mức rác thải ở đây đạt đến mức kỷ lục.

Bộ Nội vụ Hoa Kỳ cho biết họ đã thải ra gần 80.000 tấn chất thải rắn đô thị trong năm tài chính 2020. Bà Haaland cho biết trong một thông báo, "Bộ Nội vụ có nghĩa vụ đóng vai trò hàng đầu trong việc giảm tác động của rác thải nhựa đối với hệ sinh thái và khí hậu của thế giới".

Các nhóm môi trường đã ca ngợi thông báo này. "Lệnh cấm nhựa dùng một lần của Bộ Nội vụ sẽ hạn chế hàng nghìn tấn nhựa dùng một lần không cần thiết trong các công viên quốc gia và các vùng đất công cộng, nơi nó có thể gây ra ô nhiễm cho các khu vực đặc biệt này", Christy Leavitt, Giám đốc chiến dịch nhựa của Oceana, một tổ chức bảo tồn đại dương cho biết.