Mường Lát ngát xanh sau giấc ngủ dài

Xưa kia, nói đến Mường Lát sẽ gợi nhớ đến một vùng đất nghèo khó, phương tiện giao thông duy nhất lúc này là đường bộ, cưỡi ngựa. Nhưng nay, Mường Lát đang dần thay da đổi thịt từng ngày với những con đường bê tông, hệ thống điện cao thế nối dài đến tận các bản, làng xa xôi...
a13-1719369284.jpg
Đường về bản Suối Tút, xã Quang Chiểu năm 2018 là con đường đất lầy lội, bụi bẩn, xe ô tô chưa vào được trong bản (Ảnh: Sông Lô)

Mùa Đông năm 2015

Thế là đã gần 20 năm rồi tôi chưa có dịp quay lại nơi đây. Sau bao ngày hứa hẹn rồi lại nhỡ hẹn với bao công việc bộn bề, tôi tự hứa với lòng mình nhất định phải quay lại nơi đây, thăm lại vùng đất nghèo nhất xứ Thanh và là một trong những huyện nghèo của cả nước này.

Tôi quyết định quay trở lại Mường Lát như tìm lại người thân mà bấy lâu đã mất liên lạc. Xe khách xuất phát từ thành phố Thanh Hoá đi Mường Lát vào lúc 6 giờ sáng, trên xe tôi gặp anh Cao Toàn Trung là giáo viên dạy học ở xã Tam Chung. Anh Trung rôm rả trên xe, nói rằng Mường Lát nay đã đổi thay nhiều lắm đường bê tông cho ô tô đã mở vào tận đến trung tâm xã. Nhiều bản nghèo đã có xe ô tô chạy vào, tuy nhiên vẫn có nhiều bản phải đi bộ mới đến được… Tôi khá ngạc nhiên trước sự đổi thay của Mường Lát.

Trước mắt tôi là một thị trấn Mường Lát sầm uất với những cửa hàng tạp hóa đa dạng về chủng loại, những ngôi nhà cao tầng che lấp cả tầm nhìn. Tôi hết sức ngạc nhiên, sửng sốt, tôi giống như người già đãng trí phải nói chuyện lâu lâu mới nhận ra người quen cũ. Tôi nhớ ra rồi, chỗ tôi đang đứng là bản Pom Buôi, xã Tam Chung, mãi sau này bản Pom Buôi tách khỏi xã Tam Chung trở thành trung tâm của huyện Mường Lát.

a2-1719369330.jpg
Năm 2024 đường bê tông được xây dựng về bản Suối Tút đã làm đời sống nhân dân có nhiều thay đổi (Ảnh: Sông Lô).

Tôi không thể quên, để đi từ Hồi Xuân lên thị trấn Mường Lát nếu thuận lợi thì cũng phải mất vài ngày đường. Lúc này, vẫn chưa có xe khách chạy lên Mường Lát, xe khách chỉ mới chạy đến thị trấn Hồi Xuân. Khi đó muốn lên Mường Lát phải mất một ngày đường bắt xe khách từ thị xã Thanh Hóa lên đến Hồi Xuân, nghỉ nhờ ở nhà dân ở bản Khằm rồi sáng hôm sau chúng tôi phải đi bộ để lên Mường Lát. Chúng tôi dậy thật sớm rồi đi bộ men theo lối mòn dọc sông Lò qua các xã Nam Xuân, Nam Tiến, Nam Động, Hiền Kiệt khi đến xã Trung Lý của huyện Mường Lát thì trời đã xẩm tối và mệt chúng tôi vào nghỉ tạm ở một nhà dân. Vào buổi tối cả bản chìm trong màn đêm, tiếng chim bìm bịp tìm bạn tình kêu khắc khoải hoà cùng với vẻ u buồn tĩnh mịch nơi núi rừng càng làm cho không gian thêm buồn nhạt.

Sáng sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục hành trình đi bộ về xã Tam Chung, đường dốc, cây rừng rậm rạp, đường đi chỉ là một lối mòn, đến chiều muộn chúng tôi mới đến được bản Na Tao xã Pù Nhi. Lại một đêm ngủ ở nhà người Mông, sáng hôm sau, khi con gà rừng còn gáy le te, tôi đã dậy thật sớm để tiếp tục luồn rừng, leo dốc, vạch lá rừng đi bộ mãi tận chiều muộn mới đến bản Pom Buôi, xã Tam Chung.

Tôi còn nhớ rất rõ, mãi đến năm 1996 các xã Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Chanh, Mường Lý được tách ra từ huyện Quan Hóa để thành lâp ra huyện Mường Lát bây giờ. Để ưu tiên cho việc phát triển kinh tế ở Mường Lát, một con đường mòn đất đá liên huyện dành cho xe ô tô nối liền Hồi Xuân với thị trấn Mường Lát gấp rút được thi công, tạo điều kiện cho các xe tải vận chuyển hàng hóa lên Mường Lát. Do là đường đất làm tạm nên lối đi tương đối nhỏ hẹp, nhiều dốc cao nên xe chạy rất vất vả. Đặc biệt, giao thông lên Mường Lát chỉ hoạt động được vào mùa khô, còn vào mùa mưa gần như bị tê liệt hoàn toàn, phương tiện đi lại duy nhất vẫn là đường bộ hoặc cưỡi ngựa. Lúc này, điện lưới đã bắt đầu được xây dựng, nhưng tập trung phục vụ cho thị trấn Mường Lát và các cơ quan đơn vị hành chính của huyện.

Mùa hè năm 2018

Nhiều năm sau, tôi mới có dịp quay trở lại Mường Lát, lúc này giao thông đi lại đã thuận tiện hơn nên đã có xe khách về Mường Lát. Quốc lộ 15C dài 136 km nối liền Hồi Xuân đã được mở rộng đến tận Mường Chanh.Tuy nhiên, đường giao thôngtừ trung tâm huyện huyện Mường Lát đi về các xã vẫn còn rất khó khăn, chủ yếu là đường đất rải đá, nhiều đèo dốc cao, đường về các bản làng thì vẫn chưa được đầu tư, vẫn phải đi bộ, đi xe ngựa.

Đường mở tới đâu điện theo sau đến đó, có thể nói điện – đường như anh em trong một nhà, đường đi trước dắt tay cho điện đi theo. Giao thông mở lối, người dân mở rộng giao thương buôn bán làm cho kinh tế ngày càng phát triển, cái nghèo đói lạc hậu đã bị lùa vào tận trong khe núi, góc rừng. Điện lưới mở rộng về tận các bản làng xa xôi hẻo lánh, người dân đã bắt wifi kết nối internet, xem tivi… để chào đón những cái hay cái đẹp, biết phân biệt được cái xấu, cái ác để đánh nó ra khỏi đầu.

a3-1719369368.jpg
Một góc Trung tâm xã Quang Chiểu năm 2018.

Người xưa kể lại, trước khi chưa có điện lưới về bản, người Mông, người Dao ở Mường Lát có thói quen hút nhựa được trích ra từ quả cây thuốc phiện cũng như người miền xuôi hút... thuốc lào, thuốc lá. Sau một hồi lân la tỉ tê hỏi chuyện, ông Lâu Gia Pó - Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi mới kể cho tôi nghe về những tháng ngày gian nan trong việc triệt phá cây thuốc phiện ở các bản làng. Hoá ra, trước đây Mường Lát người dân chủ yếu là người Mông, người Dao đã lấy cây thuốc phiện là cây thu nhập chính, không phải một vài nhà trồng mà là nhà nhà trồng cây thuốc phiện nhà ai cũng trồng, không trồng ít thì trồng nhiều.

Than ôi! họ dùng nhựa cây thuốc phiện để tiếp khách quý đến chơi nhà như người miền xuôi thịt gà đãi khách. Người Mông còn có phong tục, nghi lễ, tín ngưỡng cúng bái, chữa bệnh bằng nhựa cây thuốc phiện, sau nghi lễ cúng bái số thuốc phiện trên sẽ được chủ nhà biếu cho thầy cúng nên đã gây ra những khó khăn cho việc triệt phá loại cây này. Tôi đã hết sức sửng sốt khi nghe ông Pó kể về cái sự hút thuốc phiện của người Mông, người Dao nên Pù Nhi nói riêng và Mường Lát nói chung đã trở thành nơi có tỉ lệ trồng, hút nhựa thuốc phiện khá cao. Nghe ông Pó kể tôi càng thấu hiểu những thiếu thốn của người dân nơi đây. Bởi người Mông ở Mường Lát lúc đó sống ở địa bàn giao thông cách biệt, quanh năm chỉ quang quẩn với núi rừng, điện lưới không có nên chưa có ti vi để xem nhà nước tuyên truyền về tác hại của cây thuốc phiện đối với sức khoẻ và kinh tế.

Ông Pó nhìn tôi cười: “Điện không có, chả có gì để giải trí nên phải hút thuốc phiện, rồi đi ngủ sớm nên mới… đẻ nhiều con, cái nghèo trước nó lại kéo cái nghèo sau đi theo”.

a5-1719369625.jpg
Trung tâm xã Quang Chiểu với nhiều đổi thay trong Xuân mới 2024.

Từ thực tế, việc tuyên truyền cấm trồng cây thuốc phiện, hút nhựa cây thuốc phiện đã được triển khai trên cả nước từ lâu. Bắt đầu từ năm 1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 13 yêu cầu tổ chức vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện, không hút và ngăn chặn việc mua bán sản phẩm từ cây thuốc phiện. Đảng, chính quyền huyện Mường Lát và xã Pù Nhi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào không trồng cây thuốc phiện, đồng thời xóa bỏ cây thuốc phiện ra khỏi bản làng và tìm những cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm phát triển kinh tế cho bà con.

Trải qua những năm dài kiên trì vận động đồng bào loại bỏ hủ tục xấu ra khỏi đời sống người dân, đã có hàng chục héc ta cây thuốc phiện ở các bản làng đã bị xóa bỏ. Đến năm 1996, trên địa bàn huyện Mường Lát về cơ bản đã không còn các hộ dân trồng cây thuốc phiện. Những năm gần đây, nguồn thuốc phiện ở Mường Lát chủ yếu là từ Lào và các nơi khác chuyển qua, nhưng không phải là dạng nhựa của cây thuốc phiện như người dân hay trồng, mà là dạng ma tuý nhân tạo tổng hợp vô cùng độc hại cho người sử dụng.

Khi có điện lưới quốc gia mở rộng đến các bản làng, người Mông, người Dao đã tiếp cận tivi, đài phát thanh, các cháu nhỏ đã được đi học nên nhận thức về việc hút thuốc phiện, sử dụng ma tuý gây hại cho sức khoẻ đã được nâng cao. Đã có nhiều tấm gương với ý chí lớn trong việc cai nghiện, đã cai nghiện thành công, có nhiều đóng góp lớn cho xã hội, trở thành gương sáng trong cộng đồng.

Tôi nghe người Mông ở xã Pù Nhi kể chuyện về ông Va Văn Di ở bản Pù Hùa cai nghiện. Ông Di với 15 năm nghiện thuốc phiện đã quyết tâm cai nghiện. Sau khi cai nghiện thành công ông Di đã tham gia các hoạt động đoàn thể ở thôn, bản rồi được cử lên xã làm cán bộ, năm 1980 ông Di trở thành Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, năm 1986 ông được điều lên công tác ở Ban Dân vận Huyện ủy Mường Lát, ông Di đã trở thành tấm gương sáng về cai nghiện thuốc phiện ở Mường Lát.

Bên cạnh ông Di, còn có ông Chá Văn Súng ở bản Hua Pù, xã Pù Nhi, sinh năm 1957, nghiện thuốc phiện từ lúc 12 tuổi. Nhà ông Súng có 10 người thì có 7 người hút thuốc phiện. Được cán bộ tuyên truyền: “Cai nghiện được thì sẽ sống lâu, không cai nghiện sẽ chết sớm”, do sợ chết nên từ năm 2006 ông Súng đã bắt đầu cai nghiện thuốc phiện. Ông Súng cai nghiện rất khác người, bằng cách vào tận rừng sâu sinh sống để xa cách bạn nghiện. Mỗi khi lên cơn thèm thuốc, có lúc ông đi săn chuột, rồi đào củ cây, rồi có đôi khi ông lại chạy ra suối bắt cá để lấy cái lạnh, mệt mỏi quên đi “nàng tiên nâu”. Gần một năm trôi qua, cơn nghiện dường như đã không còn, ông từ rừng già trở về đoàn tụ cùng gia đình và bà con lối xóm.

a4-1719369408.jpg
Bản Suối Tút đã trở thành bản nông thôn mới, cái nghèo đói lạc hậu ở Mường Lát đã bị đuổi vào trong khe núi rừng sâu.

Mặc dù cai thuốc đã thành công, nhưng khi về bản hễ cứ nhìn thấy người khác hút thuốc, hoặc vô tình ngửi thấy mùi thuốc phiện là ông Súng không thể cầm lòng. Với quyết tâm cai nghiện, khi thấy giao thông đi lại giữa các bản làng còn khó khăn nên mỗi khi lên cơn thèm thuốc ông Súng đã cai nghiện bằng cách đào đất mở đường. Sau nhiều tháng ngày vất vả, với quyết tâm ý chí lớn, năm 2008 ông Súng đã mở thành công con đường đất nối liền bản Hua Pù đến bản Chiên Pục. Vậy là sau hơn hai năm quyết tâm làm đường để cai nghiện thuốc phiện, ông Súng đã làm được một con đường dài 2.600m nối liền các bản Hua Pù, Cá Nọi, Chiên Pục lại với nhau. Để nhớ ơn ông Súng, người dân nơi đây đã đặt tên con đường này là “Đường ông Súng”.

Người dân Pù Nhi vẫn tỏ rõ sự nuối tiếc cho anh Chá Văn Dia, SN 1971 ở bản Pù Toong, chỉ vì tham gia vận chuyển thuốc phiện, đã bị phạt 6 năm tù giam nên không được đi học đại học. Vào năm 2010, anh Chá Văn Dia được cử đi học cử tuyển Đại học Lâm nghiệp để sau này trở về phục vụ quê hương, cũng năm này anh Dia bị bắt vì tội vận chuyển thuốc phiện. Sau khi ra tù, nhờ cải tạo tốt, Chá Văn Dia trở về quê hương sinh sống cố gắng trở thành công dân tốt. Năm 2005 anh trở thành tổ viên tổ an ninh bản Pù Toong, sau đó được kết nạp vào Đảng. Anh Dia được Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa tặng Giấy khen vì đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm 2018 Chá Văn Dia được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, kiêm Bí thư Chi bộ bản Pù Toong, xã Pù Nhi.

Mặc dù điện đã thắp, đường đã mở, cây thuốc phiện đã chặt, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn bởi toàn huyện Mường Lát chỉ mới có bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn là về nông thôn mới và bản Piềng Mòn trở thành bản đầu tiên đón nhận nông thôn mới ở Mường Lát. Tôi chạy xe từ trung tâm thị trấn đến tận bản Na Hin xã Mường Chanh, bản Suối Tút xã Quang Chiểu, bản Sài Khao xã Mường Lý, bản Ón xã Tam Chung và các bản Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Dán của xã Trung Lý nhìn thấy đường giao thông vẫn là những con đường đất bụi bẩn, lầy lội, người dân nơi đây vần còn có thói quen chăn nuôi gia súc bên đường nên phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh. Buồn hơn khi có nhiều bản làng xa xôi như Suối Tút, Con Dao, Ón, Tà Cóm, Sài Khao… chưa có đường ô tô, chưa có điện lưới chiếu sáng, đời sống người dân hết sức khó khăn, đúng như lời ông Cao Văn Cường chia sẻ: “Mường Lát đã xoá bỏ đường bộ, đường ngựa và phổ cập xong đường xe máy”.

Giờ đang là mùa Hè 2024

Chiều về, ve kêu râm ran bên những cánh rừng già, tôi quay trở lại Mường Lát như gặp lại người thân lâu ngày thất lạc. Mới đó thôi chỉ là đứa trẻ thơ mà giờ đây đã chững trạc trưởng thành, Mường Lát đã thức giấc sau cơn ngủ dài sẽ cố gắng bước đi theo kịp các huyện miền xuôi. Tôi hết sức ngỡ ngàng, Mường Lát giờ đây không chỉ phát triển những tuyến đường giao thông huyết mạch liên xã mà cả những tuyến đường mòn về bản người Mông, người Dao lưng chừng núi cũng đã được đầu tư khang trang.

Chính sách xây dựng nông thôn mới với những tuyến đường bê tông hóa đã mở rộng đến tận các bản làng đã tạo điều kiện cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số mua bán trao đổi nông sản, giao lưu văn hoá ra bên ngoài. Giờ đây, Quốc lộ 15C nối liền Hồi Xuân đến tận bản Na Hin của xã Mường Chanh, Cửa khẩu Tén Tằn được bạt núi mở rộng, rải nhựa là phẳng giúp cho Mường Lát kết nối được gần hơn với các huyện miền xuôi. Tỉnh lộ 21D từ trung tâm thị trấn Mường Lát đến cầu Chiềng Nưa xã Mường Lý, cùng với đó Quốc lộ 16 nối liền xã Trung Lý đến xã Mường Lý đã tạo ra cơ hội cho Mường Lát buôn bán hàng hóa với huyện Quan Hoá cũng như các tỉnh phía Tây Bắcnhư Hòa Bình, Sơn La.

a6-1719369483.jpg
Đường giao thông phát triển đã làm cho đời sống kinh tế - xã hội ở Mường Lát ngày càng phát triển.

Giờ đây, đường về các bản Ón, Sài Khao, Con Dao, Suối Tút, Tà Cóm, Cánh Cộng, Co Cài… đã được đầu tư xây dựng, xe ô tô đã vào tận trong bản để chở vật liệu xây dựng, thu mua nông sản. Đường bê tông xây dựng đã mở đường cho việc mở rộng điện lưới chiếu sáng, nhiều bản làng như Ón, Con Dao, Suối Tút, Sài Khao, Tà Cóm, Cánh Cộng… đã có điện thắp sáng, phục vụ nhu cầu đời sống cho bà con nơi đây. Nếu như trước đây cả Mường Lát chỉ mới có bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn là về nông thôn mới, thì xuân này đa số các bản làng đều đã đón nhận nông thôn mới hoặc đang phấn đấu đủ các tiêu chí để về nông thôn mới.

Trong những năm qua, người dân bản Mông ở Mường Lát nay không còn phải đi bộ, đi ngựa ra trung tâm xã, thị trấn như xưa, thay vào đó là xe máy, xe ôtô đã đến tận ngõ từng gia đình, từng bản. Hiện nay, Mường Lát về cơ bản đã hoàn thành xong việc xây dựng hệ thống đường giao thông, đường điện lưới quốc gia đã về tận các bản người Mông, người Dao xa xôi ở lưng chừng núi.Trong tôi luôn mong ước những năm tới Mường Lát sẽ phấn đấu hoàn thành việc xây dựng những tuyến đường ôtô rộng rãi, khang trang, cùng với những đường dây điện thắp sáng sẽ về đến tận các bản làng, những con đường tơ lụa sẽ trải dài đến tận các bảnngười Mông, Thái, Dao ở Mường Lát...

a7-1719369531.jpg
Bản Tà Cóm, xã Trung Lý ra mắt mô hình “Bản tự quản phòng, chống ma tuý” đầu tiên ở Mường Lát.

Hiện nay, Mường Lát về cơ bản cũng đã hoàn thiện việc mở đường điện thắp sáng về các bản làng. Có điện đã làm cho đời sống người dân được cải thiện, ánh sáng điện cao thế đã nâng cao dân trí người dân, cái nghèo cũng với những hủ tục lạc hậu đã bị đẩy lùi vào quá khứ. Mường Lát đang quyết tâm chống lại nạn buôn bán sử dụng ma tuý với việc xây dựng mô hình “Bản tự quản phòng, chống ma tuý” ở bản Tà Cóm xã Trung Lý, mô hình này đang được mở rộng ra toàn huyện. Tháng 10 năm 2023 bản Tà Cóm chính thức đóng điện, đánh dấu sự thay đổi về mọi mặt về đời sống của người dân trong bản.

Gặp tôi anh Thào A Sự trưởng bản Tà Cóm, xã Trung Lý vui vẻ cho hay: “Từ khi có điện bà con vui vẻ phấn khởi lên rất nhiều, tối đến là mở nhạc ăn mừng, lần đâu tiên bản có điện nên ai ai cũng háo hức vui vẻ. Năm nay, các hộ dân đều có cam kết nói không với ma tuý, Tà Cóm quyết tâm năm mới sẽ không có người nghiện ma tuý”.

a8-1719369569.jpg
Các thiếu nữ người Mông ở bản Tà Cóm bên những trang phục truyền thống vui mừng khi điện lưới đã được mở về bản.

Chia sẻ với tôi, anh Vi Văn Hùng – Chánh văn Phòng UBND huyện Mường Lát, hồ hởi: “Mường Lát đang trên đường hoàn thiện việc xây dựng nông thôn mới ở các bản làng, Mường Lát có 7 xã và 1 thị trấn với 88 thôn bản, khu phố đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Các bản làng đều đã được thắp điện chiếu sáng, phục vụ cho đời sống nhân dân dân, tính đến thời điểm hiện tại Mường Lát đã hoàn thiện xong việc xây dựng hệ thống điện lưới về các thôn bản. Hiện nay, Mường Lát vẫn còn 04 bản là bản Xa Lung, Trung Thắng xã Mường Lý và bản Suối Tung, Ma Hác xã Trung Lý là chưa có điện lưới thắp sáng, năm 2024 Mường Lát sẽ cố gắng mở điện thắp sáng cho 04 bản còn lại để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân”.

Ghi chép của Nguyễn Sông Lô