Mường Lát: Mở đường xoá đói bản nghèo

Những năm qua Mường Lát đã hoàn thành cơ bản việc mở đường giao thông, điện lưới đến các bản làng người Mông, Dao, Thái… nhờ đó đã góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây và mang đến diện mạo mới cho huyện vùng cao, biên giới Mường Lát.
z4657681992507-ccee722bb2d18cfd569081a0441fd577-1702878350.jpg
Mạng lưới giao thông được mở rộng đến tận các bản làng xa xôi đã làm cho đời sống kinh tế người dân ở Mường Lát thay đổi.

Vậy là chưa đầy 6 giờ đồng hồ, xe khách chạy từ thành phố Thanh Hóa tôi đã có mặt tại thị trấn Mường Lát, chứng kiến sự sầm uất của một thị trấn với những cửa hàng tạp hóa đa dạng về chủng loại. Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt về sự đổi thay đến không ngờ của huyện Mường Lát.

Nhớ lại, năm xưa lần đầu tiên lên Mường Lát công tác, đó là vào những năm 90, khi đó huyện Mường Lát vẫn chưa tách ra từ huyện Quan Hóa, đường giao thông chưa được đầu tư phát triển. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên các tuyến đường liên xã chưa được ưu tiên nâng cấp mở rộng. Tôi nhớ khi đó các xã của huyện Mường Lát bây giờ như Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Mường Chanh thuộc huyện Quan Hóa các tuyến đường về xã chỉ là đường mòn, đường ngựa đi, chưa có đường ô tô.

a4-1702878603.jpg
Những bản làng nghèo đói năm xưa giờ chỉ còn trong kỷ niệm.

Lúc này, để lên huyện Mường Lát, sáng sớm tinh mơ chúng tôi đã phải bắt xe khách từ Thành phố Thanh Hóa và đến tận chiều tối chúng tôi mới có mặt tại thị trấn Hồi Xuân. Nhà khách nghỉ trọ chưa có nên chúng tôi đã phải vào nghỉ nhờ qua đêm ở một nhà dân trong bản. Sáng sớm hôm sau chúng tôi dậy thật sớm rồi đi bộ men theo lối mòn dọc sông Lò qua các xã Nam Xuân, Nam Tiến, Nam Động, Hiền Kiệt ngược lên Mường Lát. Đi đường mệt thì vào nhà dân ở các bản làng người Thái, người Mông để xin nghỉ, xin nước, xin ăn. Khi chúng tôi đến khu vực dốc Cổng Trời ở xã Trung Lý thì đã nhá nhem tối, tôi vào nhà một người quen ở bản Khằm để xin nghỉ qua đêm và được ông lão người Mông giết gà đãi khách cùng nhâm nhi chén rượu ngô ủ men lá.

Sáng hôm sau, chúng tôi phải dậy sớm để tiếp tục cuộc hành trình. Trước khi đi ông lão người Thái còn dúi vào tay tôi một nắm xôi nếp nương bên trong có một miếng thịt rừng gác bếp để tôi ăn khi đi đường. Men theo lối mòn đường ngựa, được che kín dưới những tán cây rừng, đi đến đâu chúng tôi lại vào bản xin nước uống đồ ăn đến đó, mệt quá thì ngủ bên bờ suối. Trải qua cuộc hành trình dài, đến chiều muộn chúng tôi mới đến được bản Na Tao xã Pù Nhi.

z4984775649081-a09168ae74dda8c4299cda91b2b2c37a-1702878671.jpg
Những mái nhà khang trang được xây dựng ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát.

Hoá ra, từ những năm 1975 sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã có chủ chương xây dựng một con đường Quốc tế sang nước bạn Lào. Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, Tổng Hội Thanh niên Tình nguyện được thành lập với hàng ngàn thanh niên ưu tú thực hiện nhiệm vụ mở một tuyến đường từ Hồi Xuân lên đến cửa khẩu Tén Tằn. Những khó khăn, gian khổ cùng với những mất mát, hi sinh trong việc xẻ núi băng rừng đã được khắc họa chân thực trong tiểu thuyết ‘Vùng Trời Thủng’ của Nhà Văn Kiều Vượng – một trong những lớp người đầu tiên đã dành một phần tuổi trẻ của mình trong việc mở đường Hồi Xuân – Tén Tằn.

Sau khi huyện Mường Lát được thành lập (1996) bao gồm các xã Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Chanh, Mường Lý được tách ra từ huyện Quan Hóa. Để ưu tiên cho việc phát triển kinh tế ở Mường Lát, một con đường mòn đất đá liên huyện dành cho xe ô tô dài gần 100 km nối liền Hồi Xuân với thị trấn Mường Lát được thi công, tạo điều kiện cho các xe tải vận chuyển hàng hóa lên Mường Lát. Do là đường đất làm tạm nên lối đi tương đối nhỏ hẹp, nhiều dốc cao nên xe chạy rất vất vả. Đặc biệt, giao thông lên Mường Lát chỉ hoạt động được vào mùa khô, còn vào mùa mưa giao thông hoàn toàn bị tê liệt, phương tiện duy nhất vẫn là đi bộ.

z4984775647166-1b51888c2a8e47ea42fbffcc4ff3bafb-1702878964.jpg
Những con đường bê tông kiên cố chạy dài đến các bản nghèo xa xôi.

Nhiều năm trôi qua, cho đến đến năm 2000 tôi mới có dịp quay trở lại Mường Lát. Lúc này, Mường Lát cũng đã có xe khách về bản. Tuy nhiên, đường xá đi lại vẫn rất khó khăn, chủ yếu là đường đất rải đá, nhiều đèo dốc cao. Để lên Mường Lát tôi phải dậy thật sớm bắt xe khách từ thành phố Thanh Hóa lên đến Hồi Xuân thì trời đã tối phải nghỉ lại ở một nhà trọ đơn sơ bên đường. Lúc này, Quốc lộ 15C dài 136 km nối liền Hồi Xuân được mở rộng đến tận Mường Chanh. Do đường đất gập ghềnh, nhiều đèo dốc, có nhiều đoạn dốc cao hành khách phải xuống xe đi bộ, nhiều đoạn đường sụt lún nhà xe phải dùng cuốc để san lấp đất cho xe chạy. Trải qua đoạn đường “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, tối muộn chúng tôi mới đến thị trấn Mường Lát. Lúc bấy giờ đường về trung tâm các xã đang được đầu tư xây dựng, đường về các bản làng thì vẫn chưa được đầu tư, vẫn phải đi bộ.

a13-1702879044.jpg
Kỷ niệm về một thời nghèo đói sẽ không bao giờ quên trong ký ức của người dân Mường Lát.

Xuân 2024, tôi có dịp quay trở lại Mường Lát mới cảm nhận hết được sự thay da đổi thịt từng ngày của Mường Lát. Mường Lát không chỉ phát triển ở những tuyến đường huyết mạch liên xã mà các tuyến đường liên thôn liên bản cũng được đầu tư phát triển. Trong đó chính sách xây dựng đường bê tông hóa nông thôn mới đến các bản Mông đã tạo điều kiện cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số giao thương trao đổi nông sản ra bên ngoài. Ngày nay, Quốc lộ 15C nối liền Hồi Xuân đến tận Mường Chanh, Cửa khẩu Tén Tằn được đổ nhựa phẳng như lụa đã tạo điều kiện cho Mường Lát giao lưu với các huyện miền xuôi. Tỉnh lộ 21D từ trung tâm thị trấn Mường Lát đến cầu Chiềng Nưa xã Mường Lý, Quốc lộ 16 nối liền xã Trung Lý đến xã Mường Lý đã tạo đà cho Mường Lát trao đổi hàng hóa với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Đường về các bản Ón, Sài Khao, Con Dao, Suối Tút, Tà Cóm, Co Cài…đã được đầu tư xây dựng, đi xe máy đến tận nhà dân. Đường vào nhiều bản như Piềng Mòn, Pù Đứa đã hoàn thành việc đổ bê tông, đường nông thôn mới xe ô tô đã vào tận trong bản.

Xuân về, trong lòng hân hoan niềm vui khi người dân Mường Lát nay không còn phải đi bộ, đi ngựa ra trung tâm xã, thị trấn như xưa, thay vào đó là xe máy, xe ôtô đã đến từng gia đình, từng bản. Hiện, Mường Lát đã hoàn thành việc mở đường giao thông xe máy, xóa bỏ đường đi bộ về các bản làng. Trong tôi ao ước những năm tới Mường Lát sẽ hoàn thành việc “phổ cập” đường ô tô đến các bản làng, rồi những con đường tơ lụa sẽ rải đến tận các thôn bản lưng chừng núi của bà con người Mông, Thái, Dao./.

Ghi chép của Nguyễn Sông Lô