Theo đó, đoàn đã đến thăm mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tại xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát với quy mô hình 50ha và có 220 hộ tham gia. Hiện tại, toàn huyện Mường Lát có 800ha lúa nước, trong đó diện tích gieo cấy nếp Cay Nọi đạt khoảng 500ha.
Giống nếp Cay Nọi trên đã du nhập vào xã Quang Chiểu những năm 1980-1990. Vì giai đoạn này, Nhân dân xã Quang Chiểu nói riêng và Nhân dân huyện Mường Lát nói chung đang lâm vào cảnh túng đói nên được Nhân dân nước bạn Lào hỗ trợ lúa giống, gạo. Từ đó, Nhân dân xã Quang Chiểu luôn lưu giữ giống lúa quý cho đến nay và gọi theo tiếng của đồng bào dân tộc Thái nơi đây là Cáy Nọi, Cay Nọi (Cáy là gà, Nọi là nhỏ, nghĩa là lúa con gà nhỏ, nhỏ nhưng gáy vang cả núi rừng đất nước Chăm Pa).
Lúa nếp Cay Nọi được trồng 1 vụ duy nhất trong năm, thời điểm gieo trồng bắt đầu từ tháng 6 và được bà con nơi đây trồng ở chân ruộng bậc thang đầu tháng 11 thì thu hoạch. Lúa nếp Cay Nọi khi đến mùa thu hoạch vỏ hạt lúa có màu nâu đỏ, hạt gạo trắng, có mùi thơm ngọt, dẻo khi được nấu chín.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, năng suất lúa nếp Cay Nọi đạt 45/tạ/ha/vụ, bình quân thu lợi nhuận hơn 42 triệu đồng/ha/vụ; các hộ sản xuất trong mô hình đạt lợi nhuận hơn 2,1 triệu đồng/vụ/sào (500m2). Sản phẩm lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện trong năm 2021.
Thành công của mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tạo ra một dự án mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp nối các chương trình trong Hội thảo, đoàn công tác đã thăm quan mô hình chăn nuôi gà mía lai, quy mô 100 con của gia ông Sùng A Pao.
Gà mía lai là giống gà có khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương, lại dễ nuôi, khả năng chống chịu bệnh tốt, chi phí chăn nuôi thấp hơn so với chăn các giống gà khác, thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều đầu mối sẵn sàng bao tiêu sản phẩm. Trong thời gian tới, các mô hình nuôi gà mía lai sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn huyện. Đến thời điểm hiện tại, gà đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trong một vài tuần tới.
Ngoài gà mía lai, trên địa bàn huyện Mường Lát còn thí điểm mô hình nuôi gà Hơ Mông quy mô 1000 con tại bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn; gà lai chọi ở thị trấn Mường Lát…
Sáng 04/10, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận tại hội trường về các giải pháp pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Lát. Hội thảo do Trung tâm khuyến nông Quốc gia chủ trì, nhằm đánh giá thực trạng về kinh tế, xã hội, môi trường và các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang áp dụng tại huyện Mường Lát, những thuận lợi, khó khăn về phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm OCOP từ đó đưa ra được những định hướng và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Mường Lát, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.
Mường Lát là huyện miền núi cao biên giới, địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh của tỉnh và khu vực Tây Bắc của Tổ quốc; nơi sinh sống của đa số đồng bào các dân tộc thiểu số; có diện tích rừng tự nhiên lớn, đầu nguồn của hệ thống sông, suối. Là huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước; kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh.
Nuôi trồng thành công và nhân rộng sản xuất các sản phẩm OCOP không những góp phần phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP tại địa phương, mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây.