Tách ra từ huyện Quan Hóa cũ, sau hơn 25 năm thành lập, huyện vùng cao biên giới Mường Lát có bước phát triển toàn diện; nhất là hệ thống chính trị được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ sở vật chất hạ tầng được tăng cường, nông nghiệp chuyển dịch theo hướng du nhập, ứng dụng một số cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; nhân dân quan tâm trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ vốn rừng. Dù vậy, Mường Lát mới có 16/77 bản được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), chưa có xã đạt chuẩn NTM...
Các tham luận trình bày tại hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả xây dựng các chương trình, đề tài, dự án khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phát triển nông thôn, các mô hình phát triển sản xuất, xây dựng NTM tại huyện Mường Lát giai đoạn 2016-2022; thực trạng sản xuất nông nghiệp, cơ chế chính sách, giải pháp xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Mặt khác, một số tham luận đề cập giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội thảo, có ý kiến trao đổi rằng, cần đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của huyện Mường Lát một cách bài bản hơn, đưa các giải pháp công nghệ phù hợp với sự phát triển của địa phương; tập trung phát triển các giá trị bản địa như cây trồng, vật nuôi, các loại dược liệu bản địa, thậm chí là sơ chế, bảo quản bản địa, tiến tới nhân rộng các mô hình và chuyển giao công nghệ.
Đại diện các cơ quan chức năng cũng thông tin về Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Văn phòng Điều phối NTM Trung ương chia sẻ, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát sẽ được hỗ trợ bổ sung 45 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương tập trung hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu thúc đẩy phát triển sản xuất, phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.