Mùa sầu riêng muộn ở Khánh Sơn, huyện miền núi dự kiến thu 1.000 tỷ đồng

Khoảng 1 tháng nữa, sầu riêng Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào chính vụ nhưng hiện nay đã có rất nhiều thương lái đến tận các nhà vườn để mua. Sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn nhiều nơi khác nên được nhiều thương lái đặt mua. Hiện nay, sầu riêng có giá mua từ 80 ngàn đồng đến hơn 100 ngàn đồng/kg, tăng 15% so với năm trước, dự kiến thu về hơn 1.000 tỷ đồng.

Năm nay, cây sầu riêng ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục được mùa, được giá, người trồng sầu riêng có thể thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Không chỉ tiêu thụ nội địa, sầu riêng Khánh Sơn tiếp tục vươn ra nhiều nước trên thế giới qua xuất khẩu chính ngạch.

sau-rieng-khanh-son-1-1720368913.jpg
Những vườn sầu riêng được đầu tư bài bản tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.(Ảnh minh họa)

Ông Mai Văn Khang, 65 tuổi, ở thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn cho biết, gia đình ông trồng gần 10 ha sầu riêng, dự kiến mỗi héc ta sẽ thu về hơn 1 tỷ đồng. Cây sầu riêng sau 5 năm chăm sóc đã cho thu hoạch, giúp gia đình ông có cơ ngơi trị giá hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Ông Mai Văn Khang cho biết: "Năm nay, bình quân khoảng 15 tấn/ha, thành làng tỷ phú rồi. Bây giờ, số nhà giàu rất nhiều. Nhưng vốn đầu người ta được vay thì người ta mới làm được".

Vụ sầu riêng 2023, sản lượng sầu riêng huyện Khánh Sơn ước đạt 15.000 tấn, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 130 tấn. Có 5 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với diện tích gần 130ha, chiếm 10% diện tích sầu riêng đang thu hoạch. Hiện nay, sản lượng sầu riêng của huyện Khánh Sơn sản xuất đến đâu, bán hết đến đó.

sau-rieng-khanh-son-2-1720368941.jpg
Sầu riêng ở huyện Khánh Sơn chuẩn bị vào mùa thu hoạch.(Ảnh minh họa)

Chất lượng tốt, đầu ra ổn định, vấn đề đảm bảo thương hiệu đang được các cơ quan chức năng quan tâm hàng đầu. Huyện Khánh Sơn hiện có 27.000 dân, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 3/4 số dân toàn huyện. Năm 2023, sầu riêng đem lại thu nhập hơn 1.000 tỷ đồng cho bà con nông dân, trong đó, có hơn 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ từ cây sầu riêng.

Hiện nay, phát huy lợi thế cây sầu riêng cùng với nguồn vốn vay ưu đãi từ chính sách nông nghiệp, nông thôn, huyện Khánh Sơn vận động người dân phát triển cây sầu riêng trong vùng được quy hoạch. Dự kiến đến năm 2030, toàn huyện sẽ có 7.300 ha cây ăn quả, tăng hơn 40% so với hiện nay.

Huyện Khánh Sơn cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, chế biến gỗ tại các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, phát huy chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

sau-rieng-khanh-son-3-1720368896.jpg
Năm 2023, sầu riêng đem lại thu nhập hơn 1.000 tỷ đồng cho bà con nông dân, trong đó, có hơn 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ từ cây sầu riêng. (Ảnh minh họa)

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, sầu riêng đem lại quả ngọt cho đồng bào miền núi. Năm 2023, toàn huyện đã mua mới 500 chiếc xe ô tô, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Ông Đinh Văn Dũng cho biết thêm, năm nay, lần thứ 3, huyện tổ chức Lễ hội trái cây Khánh Sơn, mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về vùng đất, con người Khánh Sơn.

"Chúng tôi sẽ truyền thông đến từng gia đình, làm sao phục vụ khách du lịch làm sao đến Khánh Sơn thực sự nghĩa tình trong mùa Lễ hội quả ngọt của Khánh Sơn. Rất mừng cho nên bà con có thu nhập kinh tế cao, đời sống từng bước được cải thiện. Đây là mô hình để nhân rộng cho huyện, giúp cho bà con người dân tộc thiểu số, thay đổi nhận thức trong cách làm ăn"- ông Dũng cho hay./.

Thái Bình