Trung Quốc tăng tốc thu mua đẩy giá sầu riêng tăng vượt mốc 100 nghìn đồng/kg

Hiện giá sầu riêng thu mua tại kho đã trên 100 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng mạnh trong chính vụ, theo các thương lái, vì Trung Quốc tăng mua. Để mua đủ hàng, họ đã điều chỉnh giá. Ngoài Trung Quốc, các thị trường khác như Nhật Bản, Hong Kong, Australia, Đài Loan cũng tăng mua sầu riêng Việt, tạo động lực cho giá tăng.
sau-rieng-xuat-khau-trung-quoc-4-1720323751.jpg
Thông tin từ các thương lái cho biết, sầu riêng Monthong loại A nay đã được mua tại kho với giá 103.000 đồng. (Ảnh minh họa)

Nguồn cung ít giá sầu riêng tăng mạnh từ tháng 7

Thông tin từ các thương lái cho biết, nếu tháng 5, Monthong loại A có giá chỉ 78.000 đồng một kg, nay đã được mua tại kho với giá 103.000 đồng. Ghi nhận tại các chợ truyền thống ở Cần Thơ, giá sầu riêng đang dao động ở mức 80.000 - 150.000 đồng/kg (tùy loại).

Lý giải nguyên nhân, các tiểu thương cho biết, do đang vào thời điểm cuối vụ, nguồn cung ít, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn cao dẫn đến giá thành tăng từ 30 – 40%.

Tại các kho thu mua sầu riêng ở Đăk Lăk, Đồng Nai, Bình Phước và Tiền Giang, giá thu mua liên tục tăng từ đầu tháng 7. Tại kho Vạn Phát Đăk Lăk, Monthong loại A (2.7 hộc 2-5kg) có giá 101.000 đồng mỗi kg, loại B (2.5 hộc) là 80.000 đồng, còn Ri 6 loại 1 là 62.000 đồng.

sau-rieng-xuat-khau-trung-quoc-3-1720323739.jpg
Do thời điểm cuối vụ, nguồn cung ít, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn cao dẫn đến giá sầu riêng tăng từ 30 – 40%. (Ảnh minh họa)

Theo bà Phạm Ngọc Huân - một chủ một vườn sầu riêng Monthong 2 ha gần TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), cho biết ngày nào bà cũng hồi hộp xem giá sầu riêng dù khoảng 45 ngày nữa mới đến ngày thu hoạch.

"Năm ngoái, bán xô sầu riêng tại vườn là 84.000 đồng/kg, nay thương lái đến đặt cọc 80.000 đồng/kg nhưng tôi chưa nhận. Năm nay gặp hạn hán đầu năm nên sản lượng dự kiến chỉ bằng 70% năm ngoái. Hy vọng được giá cao bù lại", bà Huân nói.

Ở khu vực Đồng Nai, Monthong loại A được mua với giá 103.000 đồng mỗi kg, loại B là 85.000 đồng. Ri 6 loại A giá 65.000 đồng, loại B là 50.000 đồng. Mức giá này tăng 20% so với hồi tháng 5 và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh Hòa An, thương lái thu gom sầu riêng khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ, cho biết nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng mạnh trong chính vụ vì Trung Quốc tăng mua. Để mua đủ hàng, họ đã điều chỉnh giá. Ngoài Trung Quốc, các thị trường khác như Nhật Bản, Hong Kong, Australia, Đài Loan cũng tăng mua sầu riêng Việt, tạo động lực cho giá tăng.

Dự báo giá sầu riêng sẽ tiếp đà tăng khi sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu

Trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam sang Trung Quốc. Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch lên tới 1,5 tỉ USD. Trong đó, hơn 90% là sầu riêng tươi, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay, xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc sẽ còn tăng trưởng rất mạnh.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết từ tháng 5, Trung Quốc đã liên tục chi tiền gấp đôi so với tháng trước để mua hàng Việt. Tháng 5, xuất khẩu sầu riêng đạt gần nửa tỷ USD, ước tính trong tháng 6, lượng sầu riêng xuất khẩu sẽ đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ USD.

"Việt Nam cần giám sát chặt chẽ các vùng trồng, kiểm định chất lượng theo đúng Nghị định thư ký với Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng đạt kỳ vọng 3,5 tỷ USD trong năm nay" ông Nguyên nói.

sau-rieng-xuat-khau-trung-quoc-1-1720323831.jpg
Trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam sang Trung Quốc, ước tính kim ngạch lên tới 1,5 tỉ USD. (Ảnh minh họa)

Tại chuyến công du Trung Quốc vào cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên sớm ký nghị định thư, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường đối với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam...

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, năm 2023, Trung Quốc chi khoảng 1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh nên khả năng năm đầu tiên tham gia thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể xuất được 300 - 500 triệu USD/năm.

"Tương lai, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi để dùng cho chế biến vì giảm chi phí vận chuyển do loại bỏ vỏ từ đầu nguồn. DN Việt xuất khẩu sản phẩm đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài", ông Nguyên đánh giá.

sau-rieng-xuat-khau-trung-quoc-2-1720323857.jpg
Việt Nam cần giám sát chặt chẽ các vùng trồng, kiểm định chất lượng để duy trì đà xuất khẩu sầu riêng. (Ảnh minh họa)

Cục Bảo vệ Thực vật gần đây đã khuyến cáo các địa phương và doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tránh tình trạng thu mua hàng hóa từ những nơi không được cấp phép, ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp chân chính.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm nay sẽ tăng trưởng 15-20%, với kim ngạch có thể đạt 7 tỷ USD, tăng 0,5-1 tỷ USD so với kế hoạch cuối năm ngoái./.

Bình Nguyên