Cụ thể, mức thưởng bình quân Tết Dương lịch hơn 1,8 triệu đồng/người; cao nhất là 101 triệu đồng/người thuộc một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khu công nghiệp.
Về thưởng Tết Nguyên đán 2023, mức thưởng Tết bình quân ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 4,6 triệu đồng/người, trong đó một doanh nghiệp FDI có mức thưởng cao nhất lên tới 260 triệu đồng/người.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, phần lớn các doanh nghiệp dự kiến tặng quà Tết cho người lao động có giá trị 200.000 - 1.000.000 đồng/suất. Một số doanh nghiệp dự kiến tổ chức khen thưởng lao động có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, hỗ trợ một phần kinh phí hoặc bố trí ôtô đưa lao động ở xa về quê đón Tết.
Theo ghi nhận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc cũng phải giảm giờ làm, tăng số ngày nghỉ hàng tuần, bố trí lao động làm việc luân phiên, thỏa thuận cho lao động nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động.
Đối với người lao động phải ngừng việc theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp trả lương ngừng việc bằng mức lương tối thiểu vùng; một số doanh nghiệp trả bằng tiền lương trên hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động phải ngừng việc.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, tiền lương doanh nghiệp thực trả năm 2022 trung bình đạt hơn 10,2 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là hơn 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những doanh nghiệp nỗ lực tạo việc làm, trả lương đầy đủ cho người lao động vẫn còn một doanh nghiệp đang nợ lương của 160 người lao động với số tiền 2,2 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan quản lý đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đàm phán giữa các bên nhằm tháo gỡ, thanh toán tiền lương cho người lao động trước Tết Nguyên đán 2023.