Doanh nghiệp lo thưởng Tết để giữ ổn định nguồn lao động

Khó khăn do dịch bệnh thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam. Dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều đang nỗ lực để có khoản thưởng Tết cho người lao động, tạo động lực để cán bộ, công nhân yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Những ngày này, hoạt động sản xuất tại Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam đang hối hả để kịp trả đơn hàng cho đối tác. Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc SKD Việt Nam, các đơn hàng bị chậm lại từ đợt giãn cách khiến công ty chậm trễ trong giao hàng. Vì vậy, toàn bộ người lao động đã cố gắng làm thêm giờ để đẩy tiến độ.

“Dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tiến độ các đơn hàng hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Mặc dù có thể kém hơn mọi năm một chút, chúng tôi sẽ cố gắng có đủ thưởng Tết cho công nhân, ít nhất là 1 đến 1,5 tháng lương/người. Hi vọng, điều này sẽ là động lực để người công nhân tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, nỗ lực trong sản xuất. Bởi công việc, đơn hàng cho năm 2022 dự báo sẽ rất tốt”, ông Kết nói.

Ngoài tiền thưởng Tết, đại diện SKD Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục duy trì các phần quà tặng Tết như mọi năm thường niên; hỗ trợ đưa đón, tặng vé xe để công nhân về quê ăn Tết….

ttt-1639618655979-1640866773.jpeg
Hầu hết các doanh nghiệp đều đang nỗ lực để có khoản thưởng Tết cho người lao động, tạo động lực để cán bộ, công nhân yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Cũng theo thông tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trong dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Công đoàn Dệt May dự kiến sẽ chi 3 tỷ đồng (gấp đôi Tết năm 2021) để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động; trong đó, đặc biệt ưu tiên đến người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19. Các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho người lao động như: Tháng lương thứ 13, thưởng Tết, tặng quà Tết cho 100% người lao động; tổ chức liên hoan cuối năm; bố trí xe, hỗ trợ vé tàu xe cho người lao động về quê đón Tết; tổ chức đón tết cho những lao động không về quê,… với tổng số tiền dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. 

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, năm nay có sự phân hoá giữa mức thưởng của doanh nghiệp dệt may phía Nam, Bắc và Trung trong tập đoàn. Tại Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam chịu nhiều thiệt hại bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp này vẫn cố gắng thưởng tối thiểu 1 tháng lương cho người lao động. Đơn vị nào làm ăn tốt, lấy lại đơn hàng nhiều trong quý IV thì thưởng 1,5-2 tháng lương.

Còn tại miền Trung và Bắc, mức thưởng có cao hơn một chút khi bình quân là 1,5-2 tháng lương. Như vậy, với mức lương bình quân của công nhân ngành may khoảng 8 triệu đồng/người/tháng, ước tính người lao động được nhận từ 12-16 triệu đồng thưởng Tết. Còn tại khu vực phía Nam, tiền thưởng Tết vào khoảng 8-10 triệu đồng cho mỗi lao động.

Tổng giám đốc Vinatex cũng chia sẻ, hơn 3 tháng bị ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ tư khiến 40% lao động nghỉ giãn cách, doanh nghiệp không sản xuất được nên chỉ cố gắng duy trì trả lương tối thiểu cho công nhân. Do vậy, với mức thưởng Tết dự kiến, đây là sự cố gắng lớn của các doanh nghiệp, đảm bảo lương, thưởng cho công nhân trong bối cảnh khó khăn này.

Tại Tổng công ty May 10, mức thưởng Tết năm nay cũng được đơn vị này nỗ lực giữ ổn định khoảng 1,5 tháng lương, tương đương 10-11 triệu đồng. “Là ngành có số lao động đông, công ty phải thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo các đơn hàng mùa vụ nên chi phí phòng dịch tăng cao. Bởi vậy, doanh thu năm nay dù có tăng hơn năm trước, nhưng lợi nhuận cũng chỉ tương đương, ngưỡng 80 tỷ đồng” - ông Việt nói. Đồng thời cho biết, mức thưởng Tết năm nay sẽ cố gắng duy trì bằng năm trước, khoảng 1,5 tháng lương để động viên người lao động.

Theo chia sẻ của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh, để có được thưởng Tết trong bối cảnh khó khăn như năm 2021 này là sự nỗ lực và cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp. Suốt thời gian dài, doanh nghiệp sản xuất trên cả nước, đặc biệt tại Tp. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, kiệt quệ dòng tiền, bởi các chi phí từ 3 tại chỗ, xét nghiệm COVID-19, phạt chậm đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao…

“Do vậy, thưởng Tết còn là sự động viên, chia sẻ của doanh nghiệp tới người lao động, muốn giữ ổn định nguồn lao động sau Tết để kịp bắt nhịp sản xuất”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Trái ngược với các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo, các ngành dịch vụ ăn uống, làm đẹp, du lịch… gặp nhiều khó khăn hơn. Anh Trần Dũng, chủ hệ thống Venus salon cho hay, tình hình dịch bệnh khiến nhiều cửa hàng trong chuỗi phải đóng cửa kéo dài. Lương nhân viên, tiền thuê nhà vẫn phải trả, chi phí tháng lên đến hàng trăm triệu. Do vậy, Tết năm nay tiền thưởng sẽ không nhiều, mà chủ yếu để động viên và hỗ trợ người lao động.

Anh Nguyễn Văn Đức, công nhân tại công ty SKD Việt Nam cho hay, năm nay khó khăn chung nên người lao động chúng tôi giữ được thu nhập đã là tốt chứ chưa nói đến thưởng Tết. Những cố gắng của chủ doanh nghiệp để có thưởng, quà Tết cho anh em công nhân là rất đáng trân trọng và đáng quý, dù ít hay nhiều.

Năm 2021 dịch COVID-19 khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn và dự kiến sẽ không có thưởng Tết. Trong bối cảnh đó, cả người lao động và doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ, đồng hành với nhau, bởi lẽ, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để giữ được việc làm, tiếp tục ổn định sản xuất đã là điều rất khó./.