Anh cả tôi tên Sơn, đã không ít lần tôi hỏi cha tôi: Sơn có nghĩa là răng? Rằng Sơn là núi. “Quân lệnh như sơn” lệnh của nhà binh có sức nặng như trái núi, lệnh đã ban ra là không thay đổi. Vậy Hải có nghĩa là răng? Cha tôi bảo, Hải là biển, biển rộng mênh mông như bể Sở.
Bể Sở là răng? Tôi hỏi lại. Rằng nước Sở là chư hầu của nhà Chu từ thời Xuân Thu Chiến Quốc kéo đến thời Hán - Sở. Nước Sở nằm án ngữ khoảng giữa sông Hoài Hà và sông Dương Tử, phía đông giáp với biển Hoa Đông. Bể Sở chính là biển Hoa Đông.
Hồi đó tôi chỉ là đứa trẻ nhà quê lên năm, chưa bước chân ra khỏi làng nhưng nghe cha tôi giải thích tôi cũng mường tượng được đôi điều. Có lẽ đây là khởi đầu nuôi dưỡng cho cái đầu mộng mơ thích biển, thích khám phá thế giới...
Từ nhà tôi xuống biển độ hơn chục cây nhưng mãi tới hồi thi đại học tôi mới biết biển rộng thế nào. Tôi với thằng Phùng cùng ở trọ trong một xóm chài thuộc xã Diễn Thịnh, đó là những ngày tháng 6 oi nồng không một gợn gió, muỗi nhiều bay vo ve như sáo thổi.
Kết thúc ba môn thi, khỏi cần biết kết quả thế nào, tôi cởi đồ chạy băng qua vạt phi lao để đến với biển. Vùng vẫy chán chê, tôi ngồi bệt xuống bờ biển, nhìn ra phía đại dương bao la, tưởng tượng ra phía sâu thẳm hun hút ngoài khơi, đi mãi chắc sẽ tới đảo Hải Nam, từ đó qua eo biển Lôi Châu đi ngược lên phía bắc là đến biển Hoa Đông, cái mà ngày xưa cha tôi vẫn gọi đó là “bể Sở”....
Già nửa đời người, mải miết khám phá những vùng đất mới mà chả được là bao, đúng là lạc giữa “Mênh mông bể Sở”./.