Máy sấy nông sản bằng năng lượng Mặt trời

Thay vì phải phơi thóc lúa, rơm rạ, hải sản… trên mặt đường, người nông dân chỉ cần để vào máy sấy năng lượng Mặt trời, nông sản sẽ khô nhanh chỉ sau khoảng 1 giờ.

Vận hành theo nguyên lý hiệu ứng nhà kính

Anh Nguyễn Mạnh Tuân, Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng Bền vững Việt Nam (SETECH) đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp sấy ứng dụng công nghệ năng lượng Mặt trời trên quy mô nhỏ - lớn (hộ gia đình và công nghiệp), tùy theo nhu cầu lắp đặt và chi phí đầu tư ban đầu của bà con nông dân.

Anh Tuân cho biết, trên quy mô nhỏ, hệ thống sấy ứng dụng công nghệ năng lượng Mặt trời được thiết kế theo dạng mô-đun nhưng có kích thước nhỏ hơn (2,5 x 4 x 2 mét (buồng sấy) lượng điện tiêu thụ ban ngày là 1.7 và điện tiêu thụ khi ban đêm hoặc trời mưa là 3.2, có khả năng cho ra năng suất 100 - 150 kg tươi/mẻ với mức nhiệt sấy trong khoảng 30 – 65 độ C. Hệ thống này cũng có khả năng mở rộng bằng cách ghép nối tiếp nhiều mô-đun với nhau để nâng công suất sấy.

20-1422-1658800500.jpg
Sấy cá bằng năng lượng Mặt trời bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với thiết bị phơi sấy công nghệ mới này, bà con sẽ có thể khắc phục được nhược điểm của phương pháp phơi truyền thống cũng như sấy bằng nhiên liệu là phụ thuộc thời tiết (gió, mưa); mức độ hao hụt cao; an toàn vệ sinh thực phẩm kém; thời gian phơi sấy dài; tốn nhân công và đặc biệt tốn nhiều năng lượng (đối với sấy bằng than, củi…).

“Sử dụng hệ thống ứng dụng năng lượng Mặt trời có thể sấy được hầu hết các loại nông sản như chùm ngây, nấm linh chi, tiêu, điều, mít, cà chua, khoai lang, nhãn, cá, tôm, mực... Nông sản phơi nắng trực tiếp sẽ không tốt bằng sấy, cả về màu sắc và mùi vị.

Vì vậy, sử dụng máy sấy bằng năng lượng Mặt trời sẽ giúp cho sản phẩm giữ được màu sắc, mùi vị cũng như giá trị dinh dưỡng ban đầu. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm cũng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác (nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng...)”, anh Tuân thông tin thêm.

Nói về lý do nghiên cứu máy sấy năng lượng Mặt trời, anh Nguyễn Mạnh Tuân chia sẻ: “Trong một dịp đi công tác, tôi nhìn thấy cảnh một chiếc xe chạy ngang qua vũng sình khiến bùn lầy bắn hết lên nông sản phơi dọc đường, rất mất vệ sinh. Khi tiến hành khảo sát, tôi biết được có đến 80% sản phẩm sấy khô trên thị trường hiện nay sử dụng phương pháp phơi tự nhiên. Liệu trong số 80% đó có bao nhiêu sản phẩm phơi theo cách mà tôi từng chứng kiến? Việc phơi trần dưới khói bụi, chim chóc, côn trùng như vậy có bảo đảm vệ sinh không?”.

Nghĩ là làm, anh bắt tay nghiên cứu máy sấy năng lượng Mặt trời sẽ vận hành trên nguyên lý hiệu ứng nhà kính. Buồng sấy của máy được làm hoàn toàn bằng tấm nhựa thu nhiệt nhằm hấp thu bức xạ nhiệt Mặt trời, đưa lượng bức xạ này vào bên trong buồng sấy. Lượng nhiệt Mặt trời khi đã vào bên trong buồng sấy thì không thể nào thoát ra được, giúp nhiệt độ bên trong nhà sấy luôn cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với bên ngoài.

Máy sấy sẽ ở mức nhiệt khoảng 60 - 65 độ C, không quá cao, giúp sản phẩm giữ được chất lượng tối ưu nhất. Nông sản sẽ không bị biến màu, giảm mùi hương tự nhiên và các chất dinh dưỡng. Lớp vỏ bên ngoài buồng sấy có một lớp chống tia UV giúp hạn chế tối đa việc sản phẩm nhận tia UV.

Sử dụng ánh nắng trực tiếp để sấy

Để đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tế, anh Nguyễn Mạnh Tuân lặn lội xuống từng hộ sản xuất ở miền Tây, Đông Nam Bộ để thuyết phục người dân sử dụng. Khi đó, máy sấy được thiết kế tùy theo quy mô của hộ gia đình, công suất từ 30 – 50 kg/mẻ cho các hộ gia đình kinh doanh nhỏ với giá thành vài chục triệu, cho đến những nhà sấy 300 – 500 kg/mẻ hoặc thậm chí là vài tấn/mẻ với giá thành hàng trăm triệu đối với quy mô công nghiệp. Thiết bị hiện tại có thể sấy được hầu hết các loại nông, thủy hải sản.

Hiện tại, công ty chủ yếu cung cấp thiết bị sấy sử dụng ánh nắng trực tiếp mà không dùng tấm pin năng lượng Mặt trời để tích điện, vì chi phí đầu tư cho pin rất cao, rất lâu hoàn vốn mà hiệu quả lại không cao đối với quy mô sấy nhỏ và không phù hợp với túi tiền của người nông dân.

Khi trời mưa hoặc không nắng, máy vẫn hoạt động. Khi nhiệt độ trong buồng sấy không đủ, bộ hỗ trợ nhiệt sẽ tự động bật để cung cấp nhiệt sấy. Như vậy, vào những ngày không có nắng, trời mưa, hoặc ban đêm, thiết bị này mới dùng điện. So với thiết bị sấy điện trở nhiệt thông thường, thiết bị này chỉ tiêu tốn 1/3 điện năng khi sử dụng.

Chẳng hạn, với trái thanh long, thông thường nếu phơi sấy thủ công, người nông dân sẽ mất đến vài ngày. Nếu sấy bằng thiết bị năng lượng Mặt trời, khi độ dày lát sơ chế từ 0,5 – 0,7 cm, chỉ mất 12 - 16 giờ, chưa kể chất lượng sản phẩm đầu ra vẫn được đảm bảo tối ưu. Theo chỉ tiêu kiểm tra, tổng chỉ số vi sinh vật hiếu khí của các sản phẩm sấy bằng thiết bị giảm gấp ba lần so với phơi sấy bên ngoài tự nhiên.

Hiện, anh Tuân đã lắp đặt thiết bị cho hơn 70 dự án sản xuất khắp các tỉnh miền Tây, miền Trung, Đông Nam Bộ. Điều anh còn trăn trở là thiết bị vẫn chưa vận hành hiệu quả ở miền Bắc. Anh đã có khách hàng ở Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, nhưng vì mùa thu và mùa đông ở miền Bắc rất ít nắng nên thiết bị hoạt động không hiệu quả bằng ở miền Nam.