Lợi nhuận ngân hàng lớn nhất nước Nga giảm gần 80%

Sberbank - ngân hàng lớn nhất Nga vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022. Theo đó, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 270,5 tỷ Ruble (3,57 tỷ USD), giảm 78,3% so với năm 2021.

Theo CEO German Gref mô tả 2022 là "năm khó khăn nhất". Hàng loạt ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và không được tiếp cận các phần mềm, thiết bị cần thiết. Nhiều tổ chức tài chính Nga bị trừng phạt và phong tỏa tài sản ở nước ngoài.

Dù vậy, ông German Gref cho rằng, lợi nhuận năm nay có thể phục hồi, lên gần mức kỷ lục 1.250 tỷ Ruble (16,5 tỷ USD) đạt được "tiền đại dịch".

Được biết, Sberbank đang cân nhắc khôi phục việc trả cổ tức, dựa trên kết quả năm 2022. Quyết định sẽ được đưa ra trong tháng này. Bộ Tài chính Nga dự báo Sberbank dành ra nửa lợi nhuận năm 2022 để trả cổ tức.

Sự vững vàng của Sberbank trước các lệnh trừng phạt của phương Tây đã góp phần giúp lĩnh vực ngân hàng của Nga phục hồi sau nửa đầu năm 2022 thua lỗ. Tuy nhiên, một số ngân hàng khác, bao gồm VTB (ngân hàng lớn thứ 2 tại Nga), vẫn còn trong tình trạng khó khăn.

ngan-hang-1655171141205-1678776775.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã cảnh báo "rủi ro hệ thống" đối với toàn ngành khi các nhà băng tranh giành lợi nhuận. Hiện các ngân hàng của Nga tập trung phục vụ lĩnh vực công và các doanh nghiệp lớn.

"Chúng tôi đã thực hiện kế hoạch chống khủng hoảng, bao gồm việc thay đổi các công việc ưu tiên, đưa ra các chính sách tiết kiệm nghiêm ngặt, đóng cửa và bán các mảng kinh doanh quốc tế, cũng như thực hiện các điều khoản đối với danh mục cho vay và tài sản bị phong tỏa", ông Gref cho biết.

Trong năm 2022, chi phí hoạt động của Sberbank đã giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân hàng này cũng đã thu về 6 tỷ USD ngoại tệ từ nước ngoài kể từ khi các lệnh trừng phạt được ban hành.

Trong tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, ngày 10/3, Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ, đã tuyên bố phá sản. Động thái đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt".

SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Giới chức điều hành ngân hàng bang California ngay lập tức đóng cửa SVB và chỉ định Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) là nơi nhận tiền bán các tài sản của SVB sau này.

Theo thông báo của FDIC, trụ sở chính cũng như toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ được mở cửa lại vào ngày 13/3 và tất cả những khách hàng có bảo hiểm tiền gửi sẽ được rút hết số tiền của mình chậm nhất là trong sáng hôm đó. Tuy nhiên, theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB là không có bảo hiểm tiền gửi.

Thi Nguyên (t/h)