Liên kết vùng nhằm khai thác lợi thế địa phương đẩy mạnh lan tỏa sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản. Tham gia OCOP, đặc sản của các địa phương được chuẩn hóa, nâng cao cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Để nâng tầm giá trị sản phẩm và chủ động kết nối tiêu thụ, các địa phương đã chủ động liên kết, hợp tác vùng.
lien-ket-tieu-thu-ocop-1-1736651604.jpg
Liên kết vùng nhằm thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển mạnh trên thị trường. (Ảnh minh họa)

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương từ OCOP

Tham gia vào Chương trình OCOP, nông sản đặc sản của các địa phương được chuẩn hóa nâng cao cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Để khơi thông đầu ra, các địa phương đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng nhằm thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển mạnh trên thị trường.

Thông tin từ Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, đến hết tháng 11/2024, cả nước có gần 14.650 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Mang lại lợi ích kinh tế và thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường trong nước và dần tiếp cận với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc thương mại hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, cần đến sự hợp tác của nhiều bên.

Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản. Tham gia OCOP, đặc sản của các địa phương được chuẩn hóa, nâng cao cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Để nâng tầm giá trị sản phẩm và chủ động kết nối tiêu thụ, các địa phương đã chủ động liên kết, hợp tác vùng.

lien-ket-tieu-thu-ocop-3-1736651643.jpg
Sản phẩm OCOP tỉnh Long An. (Ảnh minh họa)

Theo ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Long An, cho biết việc liên kết tiêu thụ cần sự tương tác chặt chẽ giữa các địa phương. Tây Ninh, Tiền Giang và Long An đã ký kết hợp tác, chọn lọc sản phẩm và tạo điểm nhấn riêng cho từng mặt hàng, tạo điều kiện cho sản phẩm của nhau có mặt tại các điểm bán hàng ở mỗi địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp ranh.

Ông Hùng cũng cho biết, Long An và Tây Ninh còn phối hợp khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu với Campuchia.

"Năm 2025 với sự chung sức của cả 3 tỉnh, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang hướng tới xuất khẩu cũng như đẩy mạnh hoạt động kinh tế biên mậu, để làm sao có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh cửa khẩu. Trong đó có những cửa khẩu lớn ở Long An, Tây Ninh, để hoạt động kinh tế biên mậu tại địa phương ngày càng phát triển, nổi bật hơn".

Liên kết vùng tạo ưu thế sản phẩm OCOP trên thị trường

Theo ông Phạm Trung Chánh, Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh cho biết, địa phương này có hơn 120 sản phẩm OCOP, tập trung vào trái cây (dưa lưới, bưởi, mãng cầu), bánh tráng, mật ong và muối chế biến.

Với 3 cửa khẩu quốc tế (Tây Ninh) và 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia cùng một số cửa khẩu phụ (Long An), ba tỉnh sẽ có các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các tỉnh giáp biên Campuchia, tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường Campuchia và ngược lại.

Trước mắt, ba tỉnh thống nhất tập trung khai thác thị trường nội địa, sau đó mở rộng sang giao thương biên mậu. Riêng dân số 3 tỉnh đã trên 3 triệu người, đây là thị trường tiềm năng cho OCOP.

Ông Chánh cũng cho biết các tỉnh đều có liên kết với TP.HCM, sản phẩm OCOP ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị và trung tâm thương mại của thành phố.

"Tây Ninh và các tỉnh đều có rất nhiều hệ thống cửa hàng Co.opmart hầu như huyện nào cũng có và rất quan tâm đến việc phân phối sản phẩm OCOP của địa phương. Đó cũng là chương trình hợp tác giữa Tây Ninh với TP.HCM. Hiện các chuỗi hàng hóa OCOP của tỉnh bán rất thuận lợi thông qua hệ thống này. Trong thời gian tới đây cũng là kênh bán hàng tạo kiện cho sản phẩm các tỉnh phát triển hiệu quả trong thời gian tới".

lien-ket-tieu-thu-ocop-2-1736651579.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP Tây Ninh được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.(Ảnh minh họa)

Để tạo bước chuyển biến đột phá, cần sự liên kết chuỗi trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm liên vùng theo quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn, cùng với sự chung tay phát huy đa dạng nguồn lực và thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá cho hoạt động giao thương.

Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh chuyển đổi số đang là giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, các sản phẩm OCOP được phát triển dựa trên thế mạnh của từng địa phương, mang nét đặc trưng riêng về văn hoá bản địa.

Việc đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số được xem là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương./.

Bình Nguyên