Liên kết theo chuỗi giá trị thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa đã trở thành phương thức sản xuất phổ biến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Việc liên kết đã phần nào giải quyết được nỗi lo của nông dân về điệp khúc “được mùa, mất giá”. Đồng thời, thông qua áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của cây lúa.

Ông Sơn Mỹ, nông dân xã Ninh Hòa, huyện Hồng dân chia sẻ, trước đây khi chưa tham gia mô hình liên kết, trong mỗi vụ sản xuất, khi đến thời điểm thu hoạch, người nông dân lo nhiều thứ như: thiếu máy cắt, lúa rớt giá, không có tiền trả nợ đại lý phân bón… Những nỗi lo như vậy giờ đây đã không còn, chính nhờ thực hiện liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.

Kể từ khi tham gia chương trình liên kết sản xuất với nhà máy Vĩnh Lộc thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã giúp nông dân giải quyết được vấn đề nan giải bao lâu nay: giá cả và lợi nhuận. Mặt khác, khi tham gia thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, bà con nông dân cũng được chuyển giao để áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trên thửa ruộng của mình. Nông dân không còn gieo sạ dầy, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường và con người.

Tỉnh Bạc Liêu có diện tích gieo trồng lúa trên 190.0000 ha; sản lượng thu hoạch ước 1.200.000 tấn. Đến nay, gần 90% diện tích lúa của tỉnh đã được thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm ở những mức độ khác nhau. Việc liên kết sản xuất gắn với cánh đồng lớn mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập từ 700.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/ha/vụ.

 

vna-potal-bac-lieu-lien-ket-theo-chuoi-gia-tri-thay-doi-tu-duy-san-xuat-cua-nong-dan-stand-1-1640080856.jpeg
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa

Theo ông Nguyễn Văn Vũ – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu, mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tại Bạc Liêu đặc biệt phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế tập thể. Tỉnh đã có gần 40 hợp tác xã tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, đối với lĩnh vực lúa gạo có 27 hợp tác xã liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất, tiêu thụ lúa theo mô hình chuỗi giá trị. 

Hợp tác xã Vĩnh Cường (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) được xem là thành công điển hình của địa phương trong việc thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hợp tác xã tổ chức sản xuất khép kín cho thành viên và các hộ dân trong và ngoài tỉnh trên diện tích 7000 ha đất trồng lúa. Việc liên kết từ cung cấp các dịch vụ cung ứng nguyên vật liệu đầu vào đến khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm lúa, đã giúp cho các thành viên cũng chính là người nông dân có nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất và tiêu thụ. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm hợp tác xã đạt doanh thu 20 tỷ đồng thông qua mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất lúa.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đang là xu thế tất yếu. Để mở rộng liên kết sản xuất, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cho vùng sản xuất lúa. Cùng đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa cho vùng Bắc Quốc lộ 1A, bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng tiểu vùng. Từ đó, chủ động cấp, thoát và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt.

Để việc liên kết ngày càng phát huy hiệu quả, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, lựa chọn giải pháp canh tác phù hợp, nhất là các mô hình ổn định và bền vững. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh tổ chức liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với các tổ chức hợp tác nông dân từ cung ứng con giống, vật tư sản xuất đến thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả.

bl1-1640080856.jpeg
Liên kết theo chuỗi giá trị thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

Theo các chuyên gia, liên kết trong sản xuất nông nghiệp chính là tương lai của nông nghiệp hiện đại. Tuy vậy, để đạt hiệu quả tối đa, doanh nghiệp và nông dân cần phải có sự chia sẻ với nhau, cùng nêu cao trách nhiệm trên tinh thần hợp tác và tương trợ. Bên cạnh đó, về lâu dài, chính quyền cũng cần phải có sự tác động, can thiệp để người nông dân nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Như vậy mới đảm bảo liên kết bền vững, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân./.